Đắk Nông chăm lo sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số
Hơn 2 năm qua, Đắk Nông chủ động triển khai Dự án 7, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án với mục tiêu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.
Chú trọng công tác tiêm chủng phòng chống dịch bệnh
Trong những năm qua, Đắk Nông luôn chú trọng công tác tiêm chủng phòng chống dịch bệnh. Công tác tiêm chủng mở rộng được quan tâm và triển khai một cách đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.
Để công tác tiêm chủng đạt kết quả cao, các địa phương triển khai hỗ trợ các điểm tiêm chủng ngoài trạm. Theo đó, tại huyện Krông Nô xây dựng 5 điểm/3 xã Đắk D’rô, Nâm Nung, Nâm N’đir. Tại huyện Đắk Song, hỗ trợ cho cán bộ trong những ngày tiêm chủng tại 4 tiêm chủng ngoài trạm. Huyện Cư Jút triển khai tại 3 xã Cư K’nia, Đắk D’rông, Đắk Wil. Huyện Tuy Đức triển khai tại các xã thuộc chương trình.
Toàn tỉnh Đắk Nông có tổng số 184 điểm tiêm chủng, trong đó 115 điểm tiêm chủng tại cơ sở y tế (72 điểm tiêm chủng thường xuyên, 43 cơ sở tiêm dịch vụ) và 69 điểm tiêm chủng ngoài trạm.
Hoạt động tiêm chủng nói chung, tiêm chủng mở rộng nói riêng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hàng năm, 100% trẻ sinh ra được cập nhật đầy đủ lên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia; trên 95% trẻ được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh lao; trên 80% trẻ được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Viêm gan B trong 24h đầu sau sinh; tỷ lệ tiêm chủng các mũi vắc xin bại liệt, phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt chỉ tiêu đề ra…
Trong năm 2023, tổng kinh phí được giao để thực hiện Dự án 7 là hơn 5,9 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh 59,24%. Trong đó, Sở Y tế và các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil giải ngân 100% số vốn; T.P Gia Nghĩa 72,4%; Đắk Song 65,6%; Đắk Glong 36,9%; Tuy Đức 24%.
Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi
Ngành Y tế phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc bệnh thường gặp nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe cho người cao tuổi tại vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, huyện Krông Nô đã tổ chức 20 lớp truyền thông, tư vấn kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh và triển khai khám sức khỏe và xét nghiệm sàng lọc cho hơn 3.000 người cao tuổi tại 10 xã, thị trấn.
Tại 4 xã Trường Xuân, Đắk Môl, Đắk N’Drung, Thuận Hà, huyện Đắk Song tổ chức chiến dịch truyền thông kết hợp cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc bệnh thường gặp cho 864 người cao tuổi. Công tác tuyên truyền dân số cũng được thúc đẩy thông qua việc xây dựng pa nô tuyên truyền tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ngoài ra, tại các xã vùng đồng bào DTTS, hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cộng tác viên dân số được triển khai. Việc tổ chức truyền thông nói chuyện chuyên đề về dân số đã giúp nâng cao nhận thức của đồng bào.
Các địa phương tiến hành rà soát các biến động về dân cư, bao gồm hộ mới, biến động sinh, mất, di chuyển và sửa sai số liệu dân số để cập nhật dữ liệu chính xác trong kho dữ liệu dân số chuyên ngành tại các xã vùng đồng bào DTTS.
Đối tượng của Dự án 7 là người dân tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi. Mục tiêu trong thời gian tới là nâng cao sức khỏe toàn diện của người DTTS về thể chất và tinh thần, tầm vóc và tuổi thọ; tăng cường hệ thống y tế cơ sở để đồng bào có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Dự án tiếp tục nỗ lực ngăn chặn và loại bỏ dịch bệnh trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngành y tế cũng đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào DTTS đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng chất lượng cao cho bà mẹ và trẻ em DTTS. Từ đó góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Đắk Nông.
Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em
Chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là các DTTS. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Phòng Y tế các huyện Tuy Đức và Đắk Glong đã khảo sát và lựa chọn 6 xã khu vực III dự kiến triển khai thực hiện Mô hình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Trong đó, lập phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại trạm y tế và nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại cộng đồng. Năm 2023, hơn 1.500 phụ nữ của hai huyện Đắk Glong và Tuy Đức đã được cấp viên đa vi chất miễn phí. Trẻ từ 6 - 23 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng cũng được cấp phát sản phẩm dinh dưỡng để bổ sung vào bữa bột/cháo.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là một chương trình rất thiết thực, nhân văn, giúp đồng bào DTTS phát triển trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Đối với việc triển khai dự án 7 góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em… Nhìn chung, các chỉ tiêu thực hiện thời gian qua đều đạt được so với kế hoạch đề ra. Với sự nỗ lực của ngành Y tế, trong thời gian tới, chương trình triển khai ngày một hiệu quả hơn.
Ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông
Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương (T5G) tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức và thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Riêng năm 2023, sau khi thực hiện khảo sát và tập huấn cho đội ngũ cán bộ giáo viên, mô hình góc truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và sức khỏe bà mẹ trẻ em đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại Trường PTDTNT THCS & THPT Đắk Glong. Góc truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên với tên gọi “Góc tuổi teen”. Mô hình dựa vào thầy cô giáo và học sinh của nhà trường; là nơi các em có cơ hội được tư vấn, chia sẻ kiến thức liên quan về sức khoẻ sinh sản vị thành niên, sức khoẻ bà mẹ trẻ em, về tâm sinh lý lứa tuổi, kỹ năng xử lý tình huống nhạy cảm trong cuộc sống... ở lứa tuổi học trò.
Ngoài ra, các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng được triển khai thực hiện, bao gồm: tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông, khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm các bệnh lý quan trọng… Hoạt động tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em tại các xã khu vực 3 đã mang lại kết quả. Cụ thể, 100% phụ nữ mang thai tại xã khu vực 3 được tiếp cận tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỷ lệ phụ nữ biết được dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ mang thai, sau sinh và trẻ sơ sinh đạt trên 76%.
Tổ chức truyền thông nhóm đã truyền đạt các nội dung quan trọng về dinh dưỡng trong thai kỳ và chăm sóc trẻ sơ sinh, bao gồm cách chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi, bữa ăn bổ sung, dinh dưỡng theo độ tuổi, thực phẩm cho phụ nữ mang thai và tầm quan trọng của dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ. Cán bộ y tế đã hướng dẫn phụ nữ về cách nhận biết và lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng, cũng như chế biến thực phẩm đúng cách. Các buổi nói chuyện đã giúp giải tỏa tâm lý e ngại, nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp dự phòng hiệu quả, góp phần cải thiện sức khỏe toàn diện của phụ nữ DTTS trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi trẻ nhỏ.
Kết quả thực hiện cho thấy sự tiến triển trong việc cung cấp dịch vụ y tế và dinh dưỡng cho cộng đồng khoẻ mạnh và phát triển bền vững. Trong lĩnh vực chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, các chỉ tiêu được cải thiện như tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; tỷ lệ phụ nữ có thai tại các xã khu vực III được cấp sản phẩm dinh dưỡng; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên 6 đến 23 tháng tuổi được cấp sản phẩm dinh dưỡng… Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giảm tử vong bà mẹ, trẻ em, tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ đạt gần 58% và 92% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế.
Năm 2024, tỉnh Đắk Nông đã đề ra mục tiêu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi. Một số chỉ tiêu cụ thể tại các xã có triển khai can thiệp, khu vực III thuộc vùng đồng bào DTTS & miền núi: 24% nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; 19% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh tại các xã; 24% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh; 58% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; Tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần 50%; Tỷ lệ phụ nữ có thai được cấp sản phẩm dinh dưỡng từ khi mang thai đạt 60%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên 6 đến 23 tháng tuổi được cấp sản phẩm dinh dưỡng đạt 80%; Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế 97,0%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,3% so với năm 2023. Tỷ lệ xã khu vực III triển khai Mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời đạt 40% và triển khai thực hiện tuần lễ làm mẹ an toàn hàng năm đạt 80%....