Nông nghiệp - Nông thôn

Đắk Nông cấp tốc điều nước giải hạn hàng ngàn ha cây trồng

Phan Tuấn 17/03/2024 18:19

Nắng nóng, hạn hán đang diễn ra khốc liệt trên địa bàn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Trong bối cảnh này, các ngành chức năng nơi đây đang tức tốc điều tiết nguồn nước để giải hạn cho hàng nghìn ha cây trồng các loại.

ADQuảng cáo
Khô hạn khốc liệt tại Đắk Nông
Người dân đã kéo sẵn đường ống chờ khi nguồn nước được điều tiết từ thượng nguồn về để sẵn sàng bơm tưới cho các loại cây trồng. Ảnh: Phan Tuấn

Hạn hán khốc liệt

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Krông Nô, vụ Đông Xuân 2024, trên địa bàn huyện có khoảng 4.600ha cây hằng năm và khoảng 32.000ha cây công nghiệp, cây ăn trái dài ngày. Hiện mới vào những ngày đầu tháng 3, nhưng cục bộ nhiều vùng nông nghiệp đã thiếu nước tưới.

Chỉ tính riêng hai xã Nam Xuân và Đắk Sôr, hiện đang có khoảng 1.500ha cây trồng các loại thiếu nước tưới. Trong đó, có khoảng 30% diện tích cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả trên địa bàn hai xã này chưa đủ nước tưới đợt 2.

Hạn hán ở địa bàn xã Nam Xuân và Đắk Sôr đang diễn ra khốc liệt. Theo đó, suối Đắk Sôr được đánh giá là một trong những dòng suối lớn nhất huyện Krông Nô chảy qua địa bàn hai xã Đắk Sôr và Nam Xuân. Trên dòng suối này còn có 3 công trình thuỷ lợi là 3 đập dâng phục vụ tưới nước trong mùa khô cho cây trồng. Thế nhưng, thời điểm này, cả 3 đập dâng nêu trên và cả dòng suối Đắk Sôr đều đã xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước. Có mặt tại suối Đắk Sôr, chúng tôi chứng kiến mặt suối giờ đã trơ đáy, lộ rõ đất, đá...

Liên quan đến vấn đề này, ông Doãn Gia Lộc - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Nô - cho biết, năm nay, tình hình khô hạn diễn ra khốc liệt hơn nhiều năm qua. Mực nước ở 12 hồ đập thuỷ lợi trên địa bàn đã giảm sâu hơn khoảng 15% so với mọi năm.

ADQuảng cáo

"Nếu mùa khô kéo dài đến tháng 5, 6, thì một số diện tích cây trồng tại địa bàn các xã như: Đắk Sôr, Nam Nung, Nam Xuân, Tân Thành sẽ đối mặt với khô hạn khốc liệt" - ông Lộc cho biết thêm.

Điều phối nguồn nước cứu cây trồng

Liên quan đến tình hình chống hạn, ông Doãn Gia Lộc cho biết thêm, hiện đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng, làm việc với các huyện lân cận như Đắk Mil, Đắk Song cách xa hàng chục km đang có nguồn nước còn tương đối ổn định để tiến hành điều tiết về cứu cây trồng.

Đơn vị chức năng sẽ thực hiện điều tiết 2 đợt nước về trên suối Đắk Sôr và thời gian mỗi đợt từ 12 - 15 ngày. Khối lượng nước dự kiến điều tiết từ huyện Đắk Mil và Đắk Song về huyện Krông Nô là từ 300.000 - 500.000m3/đợt. Dự kiến ít ngày nữa nguồn nước ở các Đắk Song, Đắk Mil sẽ chảy về đến dòng suối Đắk Sôr.

Ở khu vực khác, huyện Krông Nô đang làm việc với các đơn vị quản lý các hồ, đập trên lưu vực các sông suối lớn để điều tiết nước cho các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, việc điều tiết nước từ các hồ thuỷ điện trên sông Krông Nô là quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng chục nghìn ha cây trồng tại 7 xã ven sông của huyện.

Ông Trần Văn Khánh - Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp - cho biết, mặc dù cuối năm 2023 hồ Buôn Tua Srah có dung tích 522 triệu m3 đã cơ bản tích đầy nước, nhưng để cung cấp nước trong suốt 7 tháng mùa khô thì đòi hỏi phải điều tiết hợp lý. Do đó, công ty đã làm việc với các huyện thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để nắm thông tin về nhu cầu sử dụng nước của địa phương, lên kế hoạch điều tiết nước trên cơ sở tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thời điểm này, bước vào cao điểm mùa khô, lượng nước về hồ Buôn Tua Srah khoảng 20m3/s, ngày thấp chỉ 16m3/s. Thế nhưng, đơn vị đang xả với lưu lượng lượng bình quân hơn 60m3/s. Thời gian xả nước từ 15h chiều hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Gia đình ông Lê Quang Lâm, ở xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô cho biết: "Khi suối Đắk Sôr có nước thì tôi sẽ túc trực bơm tưới ngay cho 1ha cà phê".

ADQuảng cáo
Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/kho-han-khoc-liet-tai-dak-nong-1315646.ldo?zarsrc=30
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông cấp tốc điều nước giải hạn hàng ngàn ha cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO