Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Đắk Nông: Cấp chồng lấn hoặc trùng "sổ đỏ", lỗi thuộc về cơ quan Nhà nước

PV 13/12/2023 13:45

Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 13/12, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV đã dành thời gian để các “tư lệnh” ngành trả lời việc thực hiện các cam kết, lời hứa tại các Kỳ họp trước.

ADQuảng cáo

Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, lãnh đạo Sở TN-MT có 7 vấn đề được chất vấn và cam kết thực hiện. Trong đó, 2 vấn đề liên quan trực tiếp tới Nhân dân được chất vấn nhiều nhất đó là tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sấy cà phê ở huyện Cư Jút, Đắk Mil và việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng cấp trùng, chồng lấn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ-sổ đỏ).

Di dời lò sấy cà phê là việc rất khó

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Nguyễn Văn Hiệp cho biết, đối với việc ô nhiễm môi trường từ các lò sấy, Sở đã làm việc với các huyện, xã cũng như đột xuất kiểm tra, xử lý. Sở đã tiến hành kiểm tra hơn 350 lò sấy, trong đó một số lò sấy đã ngừng hoạt động và một số phát sinh thêm. Sở, ngành chức năng đã đề nghị các chủ lò sấy nâng chiều cao ống khói và có khoảng 254 lò sấy cam kết nâng cao...

Lãnh đạo Sở này cũng cho rằng, vấn đề lò sấy cà phê đã tồn tại nhiều năm. Một mình Sở thì không thể làm triệt để được. Do đó, về phía các địa phương, quá trình quy hoạch sử dụng đất cần vận động hộ dân, chủ lò sấy đăng ký kinh doanh vào các cụm công nghiệp địa phương. Các địa phương cũng cần vận động Nhân dân san sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong việc đưa lò sấy vào rẫy, ngoài khu dân cư như hộ nào bỏ mặt bằng để làm lò sấy thì miễn hoặc giảm kinh phí mua, làm lò sấy. Việc vận động này cần dựa trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của các hộ dân.

“Di dời lò sấy là việc rất khó. Người dân làm lò sấy theo thời vụ, mỗi năm chỉ khoảng 3-4 tháng hoạt động. Trong khi ngân sách tỉnh, địa phương không thể hỗ trợ. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm trong xử lý khói bụi, bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân là giải pháp quan trọng nhất”, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hiệp cho biết.

img_9533(1).jpg
Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Nguyễn Văn Hiệp trả lời về việc thực hiện các cam kết tại kỳ họp thứ 5

Phải làm rõ trách nhiệm cấp chồng lấn, trùng "sổ đỏ"

Đối với cam kết về việc đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người dân, chấn chỉnh, khắc phục triệt để tình trạng cấp trùng, chồng lấn, sai sót gây tranh chấp, khiếu kiện... Sở TN-MT thông tin, hiện nay, Sở đã có nhiều chủ trương, giải pháp để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Sở đã ban hành quyết định ủy quyền cho văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện trong cấp GCNQSDĐ. Đồng thời, rút ngắn một số thủ tục liên quan xuống còn 3-5 ngày nhằm giảm đi lại, phiền hà cho người dân. Cơ bản các công việc của văn phòng đăng ký đất đai đều được phân cấp rõ ràng.

Đối với việc cấp trùng, chồng lấn, nếu không tranh chấp thì tiến hành thu hồi giấy và cấp lại. Sở cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng quá trình thực hiện của các cơ quan liên quan ở cơ sở không đầy đủ, quyết liệt.

img_9550(1).jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đề nghị ngành TN-MT cần rà soát lại, thông tin cụ thể, công khai đến người dân

Về vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết: “Câu chuyện chồng lấn liên quan cấp GCNQSDĐ đã được họp nhiều lần. Đây là vấn đề thực sự khó khăn. Một số trường hợp chồng lấn là do quá khứ để lại. Do đó, ngành TN-MT cần rà soát lại, xem trường hợp nào được, trường hợp nào không, nguyên nhân do đâu để thông tin công khai đến người dân”.

Liên quan đến vấn đề cấp trùng, chồng lấn GCNQSD, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung cho rằng, việc này cơ bản đã khắc phục tối đa, nhưng trách nhiệm giải quyết như thế nào; cấp chồng, cấp sai thủ tục như thế nào thì chưa triệt để.

img_9565-4-.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung yêu cầu sở, ngành liên quan phải trách nhiệm giải quyết triệt để các vấn đề trên

Chủ tịch HĐND tỉnh viện dẫn: “Có đại biểu gửi cho tôi GCNQSDĐ là thổ cư, nhưng trong giấy chứng nhận thể hiện không rõ như trước nhà đường như thế nào? Do đó, khi cần sử dụng GCNQSDĐ để giải quyết công việc lại phải đi xác nhận. Ví dụ, hộ A và B có đất liền kề nhau, nhưng hộ A được cấp rồi, còn hộ B lại không được cấp, trong khi không có tranh chấp về ranh giới. Hay hai hộ có đất liền kề, nhưng đất hộ A thì cấp GCNQSDĐ cho hộ B, đến khi hộ B đi làm GCNQSDĐ thì không được. Để được cấp giấy, cơ quan tài nguyên yêu cầu hộ B tự đi thỏa thuận với hộ A. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?”.

“Cấp trùng dẫn đến hai tình huống, khi cần để thu hồi cấp lại, một là người đã được cấp không phối hợp, hai là giấy chứng nhận đang tín chấp trong ngân hàng nên rất khó khăn. Do đó, Sở TN-MT cần xác định, cấp chồng lấn, cấp trùng không phải lỗi của người dân, mà trách nhiệm thuộc về các cơ quan Nhà nước. Sở và ngành liên quan phải vào cuộc quyết liệt hơn để thuận tiện nhất cho dân cũng như bảo đảm quyền lợi cho người dân”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Cấp chồng lấn hoặc trùng "sổ đỏ", lỗi thuộc về cơ quan Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO