Đắk Nông cần khoảng 257.000 lao động thu hoạch cà phê
Đắk Nông cần 257.000 lao động để thu hoạch vụ cà phê năm 2024. Nguồn lao động trong tỉnh dự báo chỉ đáp ứng được chưa tới 50%.
Gia đình anh Mai Văn Nguyên, thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) có 1,5ha cà phê đang cho thu hoạch. Để chủ động nhân công thu hái cà phê năm nay, anh Nguyên đã liên hệ với 3 lao động đã từng ở và hái cà phê cho gia đình anh những năm trước để thuê.
Anh Nguyên cho biết, khi cà phê bắt đầu thu bói, liên hệ với những lao động này từ tỉnh Bắc Ninh và đặt vấn đề về thời gian làm việc. Anh bố trí chỗ ở, việc làm cho lao động từ khi hái bói cho đến khi thu hoạch xong vụ cà phê.
Vụ này, anh thu hoạch theo quy trình lựa 100% quả chín để sản xuất cà phê chất lượng cao nên tốn nhiều công hơn cách thu hái thông thường.
Anh Nguyên cho biết thêm, thuê được nhân công nhiều năm sẽ rất thuận lợi cho gia đình vì không phải hướng dẫn, đào tạo. Họ biết việc và chủ động được công việc được giao.
"Đến thời điểm này, gia đình tôi có 2 nhân công vào ở hái cà phê bói và đi làm cỏ, bón phân cho trước khi bước vào chính vụ thu hoạch", anh Nguyên chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng thuận lợi như gia đình anh Nguyên. Nhiều hộ gia đình ở Đắk Nông hiện đang lo lắng về việc thiếu nhân công, đặc biệt là những hộ có diện tích cà phê lớn.
Phần lớn các hộ đang tìm cách giải quyết việc thiếu nhân công thu hoạch cà phê năm nay và chủ yếu là liên hệ với nguồn lao động ngoài tỉnh.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, vụ cà phê năm 2024, Đắk Nông cần khoảng 257.000 lao động để thu hoạch khoảng 131.000ha cà phê. Nguồn lao động tại địa phương có hơn 122.100 người, đáp ứng khoảng 47% nhu cầu thu hoạch cà phê.
Việc thiếu hụt lao động không chỉ gây khó khăn đến tiến độ thu hoạch mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cà phê. Thiếu nhân công sẽ khiến nhiều gia đình thu hái cà phê không đúng thời điểm và hái 1 lần thay vì hái nhiều lần, không bảo đảm chất lượng.
Nguồn nhân công từ các tỉnh khác sẽ giúp giảm bớt áp lực thiếu người thu hoạch cà phê, nhưng đi kèm với đó là những khó khăn về việc tay nghề, bảo đảm an ninh trật tự.
Ngoài ra, việc thuê lao động ngoại tỉnh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Người thuê công lao động phải lo liệu về chỗ ăn ở, chi phí đi lại và các khoản phụ cấp khác cho nhân công, dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên đáng kể.
Ngoài việc thuê lao động ngoài tỉnh, Đắk Nông đang khuyến khích các hộ gia đình liên kết với nhau để chia sẻ nguồn nhân lực, đặc biệt trong các vùng có diện tích cà phê lớn.
Việc liên kết các hộ gia đình không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tạo điều kiện để người dân hỗ trợ nhau trong quá trình thu hoạch, từ đó bảo đảm tiến độ mùa vụ.
Ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết, việc thiếu nhân công thu hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ mùa vụ và chất lượng cà phê. Chính vì thế, người dân cần chủ động trong việc thuê lao động từ các tỉnh khác, đồng thời liên kết hộ gia đình để thu hoạch đúng thời gian và bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn liên quan trực tiếp đến đời sống của rất nhiều hộ dân Đắk Nông.
Năm nay giá cà phê tăng cao nên đầu vụ đã xuất hiện tình trạng mất trộm cà phê tại rẫy, cộng với việc khan hiếm lao động nên rất dễ xảy ra tình trạng lợi dụng để đẩy giá nhân công lên cao.