Đắk Nông cần chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động

Hoàng Thanh| 07/04/2021 18:00

Chiều 7/4, Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) do đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về các chính sách, chương trình thuộc lĩnh vực giảm nghèo, lao động và việc làm giai đoạn 2016-2020.

Video clip:

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở LĐTB-XH, một số sở, ban, ngành liên quan tiếp và làm việc với đoàn.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh đánh giá cao công tác giảm nghèo tại tỉnh Đắk Nông

Trong giai đoạn 2015-2020, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có những chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh còn 6,98%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 17,18%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 22,80%. Trong 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm 12,28% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2015.

Số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh là 90.629 lượt người, đạt 100,7% so với kế hoạch; trong đó, tạo việc làm trong nước 89.769 lượt người, chiếm 99,05% và 860 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động là người dân tộc thiểu số được tạo việc làm là 26.580 lượt người, chiếm 29,32% tổng số lao động được tạo việc làm của tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 22.236 người, đạt 117,03% so với kế hoạch; trong đó, đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số 5.609 người, hộ nghèo 536 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 37% năm 2016 lên 45% năm 2020. Công tác đào tạo nghề ngày càng được chú trọng về chất lượng, đồng thời gắn với mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Sau đào tạo nghề, nhiều lao động đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh báo cáo một số nội dung về lĩnh vực giảm nghèo, giải quyết việc làm

Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 2.525 doanh nghiệp hoạt động, ttăng 775 doanh nghiệp so với năm 2016. Phần lớn các doanh nghiệp còn nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh thương mại, buôn bán nông sản. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp đến hết năm 2020 là 22.620 người (tăng 2.100 người so với năm 2016).

Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Nông đề xuất Bộ LĐTB-XH tham mưu Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -2025 và kịp thời ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 để địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện.

Trung ương hằng năm tăng định mức nguồn vốn của dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo để phù hợp, hiệu quả thực tế sản xuất tại địa phương. Các bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ LĐTB-XH xem xét bố trí kinh phí để xây dựng trụ sở làm việc của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh …

Các lãnh đạo sở, ngành tham gia ý kiến tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đắk Nông đã đạt được trong các lĩnh vực giảm nghèo, lao động và việc làm giai đoạn 2016-2020, nhất là tỷ lệ giảm nghèo rất ấn tượng. Có được kết quả đó là nhờ địa phương rất chú trọng đến việc xây dựng nghị quyết về chính sách đặc thù trong công tác giảm nghèo, lao động và việc làm.

Về định hướng giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị tỉnh Đắk Nông cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và khuyến khích người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh cần chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng của các nhà đầu tư, giảm bớt lao động phổ thông.

Tỉnh cần quan tâm lựa chọn, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, vốn đầu tư lớn để nâng cao năng suất lao động; đồng thời quan tâm chăm lo đời sống người lao động, nhất là cải thiện môi trường làm việc, quan hệ lao động, tiền lương, thưởng cho người lao động.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/thoi-su/dak-nong-can-chu-trong-dao-tao-nghe-nang-cao-trinh-do-chuyen-mon-cua-lao-dong-85548.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/thoi-su/dak-nong-can-chu-trong-dao-tao-nghe-nang-cao-trinh-do-chuyen-mon-cua-lao-dong-85548.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông cần chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO