Kinh tế

Đắk Nông cần 141 tỷ đồng để nâng cấp 24 công trình thủy lợi

Trần Thị Thoan 01/02/2024 06:58

Hạ tầng nông nghiệp của Đắk Nông đang dần được cải thiện và trước mắt tỉnh cần 141 tỷ đồng để tu bổ 24 công trình thủy lợi xuống cấp, mất an toàn.

ADQuảng cáo

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT Đắk Nông, hạ tầng nông nghiệp của tỉnh như về giao thông, thủy lợi, điện, hạ tầng chế biến, kho bãi... còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, tính liên kết nội vùng, liên vùng còn yếu.

dsc_0872.jpg
Đắk Nông ưu tiên nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Về thủy lợi, trong bối cảnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay, hạ tầng thủy lợi của Đắk Nông đã chịu nhiều ảnh hưởng về sụt giảm nguồn nước, hư hỏng, xuống cấp công trình.

Do đó, với nguồn lực của mình, tỉnh sẽ ưu tiên nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng. Tỉnh tranh thủ tốt các nguồn vốn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình thủy lợi mới theo quy hoạch. Đắk Nông tiếp tục khuyến khích nâng cấp, xây mới các hồ chứa nước, đập dâng nhỏ.

Hệ thống thủy lợi được tỉnh phát triển theo hướng phục vụ đa chức năng gồm trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, sinh hoạt, du lịch, sản xuất công nghiệp; ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

Đắk Nông hiện có 307 công trình thủy lợi, phục vụ tưới cho khoảng 50.000ha/185.000ha cây trồng có nhu cầu tưới. Số diện tích còn lại sử dụng nguồn nước phục vụ tưới từ nguồn nước giếng đào, giếng khoan, từ các công trình thủy điện và nguồn nước trên các sông, suối.

Năm 2023, Sở NN-PTNT Đắk Nông phối hợp với các địa phương, đơn vị chức năng kiểm tra, đánh giá các công trình thủy lợi. Từ đó, Sở NN-PTNT đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp. Hiện nay, có 24 công trình thủy lợi bị hư hỏng, mất an toàn cần nâng cấp kịp thời, với tổng kinh phí 141 tỷ đồng.

ADQuảng cáo
dsc_0916.jpg
Giao thông vùng trọng điểm trồng lúa xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô được chú trọng đầu tư

Song song với thủy lợi, hạ tầng giao thông phục vụ nông nghiệp cũng được Đắk Nông chú trọng hoàn thiện, đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông nội đồng, giao thông khu vực sản xuất tập trung. Hệ thống giao thông phát triển gắn với hệ thống điện lưới để đáp ứng nhu cầu về sản xuất lớn, ứng dụng máy móc, công nghệ cao.

anh-2.jpg
Hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp giúp đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất tại huyện Krông Nô

Sự đầu tư này là một ưu tiên lớn nhằm hiện thực hóa các đề án, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình nông dân xây dựng sân phơi, nhà sơ chế và trang thiết bị phục vụ chế biến, công nghệ sau thu hoạch. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn cho các hợp tác xã phát triển, nhất là đối với các hợp tác xã nông nghiệp.

Theo ông Phạm Văn Trường, Giám đốc HTX Nông nghiệp TMDV Trường Thịnh, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), vừa qua HTX được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sự hỗ trợ của Nhà nước đã tạo ra bước phát triển mới cho HTX.

Cụ thể, cùng với nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ, HTX đã huy động nguồn lực đóng góp của các thành viên và một số hộ dân được hưởng lợi trực tiếp xây dựng 1km đường bê tông giao thông nông thôn, 1 trạm biến áp 150KVA.

Sau khi trạm biến áp được đưa vào sử dụng, HTX đã xây dựng và lắp đặt kho lạnh với diện tích 150m2. Trong năm 2022 và 2023, HTX đã xuất khẩu qua Trung Quốc hàng trăm tấn sầu riêng và 1 số nông sản đã qua bóc tách, sơ chế.

Đắk Nông kỳ vọng sẽ tạo được hệ thống hạ tầng vững chắc cho kinh tế nông nghiệp phát triển, nhất là thuận lợi trong thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh đến đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông cần 141 tỷ đồng để nâng cấp 24 công trình thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO