Chính sách

Đắk Nông cầm tay chỉ... luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Mẫn Doanh 25/10/2024 05:00

Thời gian qua, Đắk Nông triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức trong tiếp cận pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)

Tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc nội dung số 2 và 3, tiểu Dự án 1, Dự án 10 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025.

Từ nguồn vốn chương trình, Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, PB GDPL, trợ giúp pháp lý và công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật cho vùng đồng bào DTTS tại các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô…

Sở Tư pháp phổ biến các chính sách pháp luật có liên quan đến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, hòa giải ở cơ sở; các quy định của pháp luật gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân ở cơ sở. Sở còn hướng dẫn cho người dân công tác trợ giúp pháp lý; về việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ cụ thể theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định; gắn với việc vận động đồng bào định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo; xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan…

img_6720.jpg
Các buổi tuyên truyền pháp luật góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật tại các địa bàn có đông đồng bào DTTS

Để công tác tuyên truyền, phổ biến đạt hiệu quả cao, Sở Tư pháp đa dạng các hình thức tuyên truyền như: Hội nghị tập huấn; cấp phát tờ gấp, tờ rơi; cập nhật các thông tin văn bản liên quan đến vùng đồng bào DTTS trên Trang thông điện tử PBGDPL của tỉnh; xây dựng và phát hành Bản tin Tư pháp hàng quý với số lượng phát hành 2.000 cuốn/số, cấp phát miễn phí đến các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và các thôn, bon, buôn, tổ dân phố trong tỉnh;…

Theo ông Trần Thanh Tài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Nông, đơn vị tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác tuyên truyền trong đồng bào DTTS. Sở sử dụng các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, dễ đọc, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm, nội dung phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Qua đó tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, phát triển bền vững vùng DTTS.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Sở Tư pháp Đắk Nông tổ chức 14 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cấp tỉnh, 1.270 lượt người tham dự, cấp phát 1.550 tài liệu phổ biến pháp luật.

Tập trung các văn bản liên quan đến đời sống của đồng bào DTTS

Tuy Đức là huyện biên giới với 6 xã; trong đó, 5/6 xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có hơn 28.000 người DTTS, chiếm hơn 41% dân số.

Trong thời gian qua, Sở Tư Pháp và địa phương tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào DTTS. Nội dung các buổi tuyên truyền sát với thực tế, hình thức phổ biến gần gũi với người dân.

Sở Tư pháp chủ động phối hợp với địa phương nghiên cứu nắm đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, đối tượng cần được tuyên truyền pháp luật để có nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp. Một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật và đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa được tập trung tuyên truyền các luật như: Đất đai, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình…

img_6711.jpg
Người uy tín, lực lượng cốt cán, ban tự quản thôn, bon trên địa bàn xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức tiếp thu thêm các kiến thức về pháp luật tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024

Ngoài người dân ở cơ sở, đối tượng được tuyên truyền, phổ biến là một số cán bộ, công chức, viên chức thuộc các ban, ngành, đơn vị, đoàn thể của xã; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; bí thư, phó bí thư chi bộ; trưởng, phó các thôn, buôn, bon; thành viên các tổ hòa giải và người dân ở cơ sở… Đây là đội ngũ nòng cốt ở cơ sở thường xuyên tiếp xúc và tuyên truyền cho người dân khi có vướng mắc pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa bàn có đông đồng bào DTTS.

Anh Điểu Ngăm, bon Bu Gia, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết: “Trước đây, đời sống gia đình còn khó khăn, phải lo làm ăn nên tôi chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về pháp luật. Từ khi được tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các ngành chức năng tổ chức, tôi đã hiểu rõ hơn nhiều vấn đề về luật đất đai, luật hôn nhân để thực hiện đúng quy định. Tôi cũng được trực tiếp trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan đến trợ giúp pháp lý khi gặp vướng mắc về pháp luật”.

Tham gia Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, ông Điểu Hùng, người có uy tín ở bon Bu Boong nắm và hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật để tuyên truyền bà con trong bon. Điểu Hùng chia sẻ, nhiều quy định pháp luật gắn liền với đời sống hàng ngày của bà con nhưng mọi người chưa nắm bắt được như Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022; các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014; các chính sách về khám bệnh, chữa bệnh; đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội; các nội dung liên quan đến quy định về đất đai, giấy phép xây dựng hay các nội dung về quyền của trẻ em và người chưa thành niên về khai sinh, bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú, tài sản, quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; các nội dung liên quan đến quy định pháp luật về khai thác khoáng sản…

Ông Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức chia sẻ, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành đầu tư hạ tầng cơ sở, văn hóa - xã hội, đời sống của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do việc tiếp cận kiến thức pháp luật của bà con còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong đời sống hằng ngày… vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự trên địa bàn. Không chỉ được tuyên truyền về các chính sách dân tộc, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai…, qua buổi truyền thông, đội ngũ già làng, trưởng bon, người có uy tín còn được bổ sung thêm kiến thức pháp luật để thực hiện công tác hòa giải tại cơ sở.

Trong 2 năm 2022 và 2023, huyện Tuy Đức được giao hơn 290 triệu đồng vốn thực hiện nội dung số 2 và 3, tiểu Dự án 1, Dự án 10 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025. Địa phương đã giải ngân đạt 100% kế hoạch.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông cầm tay chỉ... luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO