Đắk Nông cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em ở huyện nghèo
Nhờ triển khai công tác phòng, chống suy dinh dưỡng và tiểu dự án cải thiện dinh dưỡng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của tỉnh Đắk Nông giảm hàng năm.
Năm học 2023-2024, Trường mầm non Hoa Ngọc Lan, bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được đánh giá thực hiện tốt công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ.
Đầu năm học, trường có 16 trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, 10 trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Đến cuối năm, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 6 trẻ, suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 5 trẻ.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Ngọc Lan cho biết, do đặc thù trường nằm ở bon đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số lớn nên nhiều trẻ suy dinh dưỡng, thiếu chất hoặc nhẹ cân so với các bạn cùng lứa tuổi.
“Vào đầu năm học, trường kiểm tra sơ bộ sức khỏe của trẻ để xây dựng các khẩu phần ăn phù hợp. Qua từng tháng và học kỳ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của trường đã giảm đáng kể. Ngoài ra, trường phối hợp với cán bộ y tế tư vấn cho phụ huynh kiến thức dinh dưỡng, bổ sung vitamin cho trẻ… Nhờ vậy, đến cuối năm học, đa số học sinh của trường đều khỏe mạnh, phát triển bảo đảm cả về chiều cao lẫn cân nặng", bà Liên cho hay.
Nhiều trường mầm non khác có đông học sinh dân tộc thiểu số cũng rất chú trọng công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Trong đó, nhà trường thực hiện tốt giữ vệ sinh lớp học, vệ sinh cá nhân cho trẻ, thực hiện chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Bà Tạ Thị Nhuận, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Ban, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song cho biết: “Đối với trẻ bậc mầm non việc phòng, chống suy dinh dưỡng hết sức quan trọng. Đều đặn, hàng tháng trường đều cân nặng, đo chiều cao cho trẻ. Trường tăng cường các hoạt động thể chất, ngoài trời để trẻ phát triển đồng đều”.
Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Nông đã tập trung thực hiện nội dung tiểu Dự án “Cải thiện dinh dưỡng” với các hoạt động như cấp các sản phẩm dinh dưỡng, sắt cho đối tượng thụ hưởng; đầu tư mua sắm, tổ chức cân, đo chiều cao phục vụ hoạt động đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
Ngành Y tế Đắk Nông phối hợp đẩy mạnh truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; triển khai chiến dịch ngày “Vi chất dinh dưỡng”; mô hình “Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời”...
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của tỉnh Đắk Nông giảm từ 18,7% năm 2022 xuống còn 17,1% năm 2023. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 27,5% xuống còn 25,7%. Suy dinh dưỡng thể gầy còm giảm từ 5,1% xuống còn 4,6%.
Thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng”, năm 2024, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi ở các huyện nghèo từ 2% trở lên so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu trên, nhiều giải pháp đã và đang được tập trung thực hiện như cung cấp các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi; bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng; phát hiện, điều trị và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em tại cộng đồng; tẩy giun định kỳ cho trẻ dưới 6 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ chuẩn bị mang thai…
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và protein cũng như các yếu tố vi lượng khác để bảo đảm cho cơ thể phát triển. Suy dinh dưỡng làm ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ.