Đắk Nông bế mạc Liên hoan trình diễn cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống
Tối 11/12, UBND tỉnh tổ chức Lễ bế mạc và trao thưởng Liên hoan trình diễn cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông năm 2024.
Đồng chí Mai Thị Xuân Trung, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương và đông đảo Nhân dân tham dự.
Sau 2 ngày diễn ra tại TP. Gia Nghĩa, 9 đoàn nghệ nhân và diễn viên đến từ 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã lần lượt trình diễn các tiết mục cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, tái hiện lại những nghi lễ, lễ hội, điệu múa dân gian, trang phục truyền thống...
Các tiết mục phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo đánh giá, các tiết mục tham gia liên hoan đều được chuẩn bị, công phu, nghiêm túc, tôn vinh được những giá trị độc đáo trong văn hóa truyền thống của các dân tộc, tạo được ấn tượng, thu hút sự quan tâm theo dõi của khán giả.
Ban Tổ chức điều hành chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ban Giám khảo làm việc với tinh thần công tâm, khách quan, dân chủ, đánh giá chặt chẽ và đúng nguyên tắc.
Kết quả, Ban Tổ chức trao 23 giải A, 18 giải B cho các tiết mục xuất sắc nhất. Các đoàn huyện Cư Jút, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Glong đoạt giải A toàn đoàn.
Liên hoan là dịp để nghệ nhân, diễn viên quần chúng thuộc các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông giao lưu nét đẹp văn hóa, nghệ thuật gắn với diễn tấu cồng, chiêng, nhạc cụ truyền thống.
Liên hoan góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa của toàn dân.
Liên hoan còn tăng cường ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào thế hệ nghệ nhân, chủ nhân của di sản Không gian văn hóa cồng, chiêng Tây Nguyên.
Liên hoan góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh Đắk Nông, giữ gìn văn hóa truyền thống, thu hút du khách, các nhà đầu tư đến với Đắk Nông.
DANH SÁCH CÁC TIẾT MỤC, ĐOÀN, CÁ NHÂN ĐOẠT GIẢI
I. GIẢI TIẾT MỤC
GIẢI A
1. Đánh chiêng, múa “Ching ngăn”, huyện Đắk Mil
2. Hòa tấu cồng chiêng – đàn đá – goong kết hợp múa dân gian “Chiêng Stinh - Say tình”, huyện Tuy Đức
3. Đàn tính, hát then “Nông thôn đổi mới”, huyện Đắk Mil
4. Trích đoạn “Lễ hội Brê Rơ He” (Gọi hồn lúa về), huyện Đắk Glong
5. Trích đoạn “Lễ cúng rào bon trồng cây” (Tăm Blang M’prang Bon), huyện Krông Nô
6. Hát dân ca “Sum họp”, huyện Krông Nô
7. Độc tấu sáo mèo “Xuân về trên bản Mông”, huyện Đắk Glong
8. Diễn tấu cồng chiêng kết hợp múa dân gian: “Bich tơ chơ – Ngủ lăn quay”, huyện Tuy Đức
9. Diễn tấu chiêng: “Ching Ngăn, Boh Chơ Ron, Thut Dru”, huyện Đắk Glong
10. Song tấu đàn sáo “Đi học” Trường THPT DTNT N'Trang Lơng
11. Liên khúc hòa tấu, huyện Đắk Song
12. Diễn tấu cồng chiêng “Nổi lửa mừng lúa mới”, TP. Gia Nghĩa
13. Hòa tấu nhạc cụ dân tộc chiêng và m’buốt, huyện Đắk R'lấp
14. Diễn tấu cồng chiêng “A Tông Mdec”, huyện Cư Jút
15. Đánh theo điệu thổi dinh năm và hát ayray - A tông ayray (hay chi ri ria) + kết hợp với múa mời rượu của người Ê Đê, huyện Cư Jút
16. Múa pích tơ drơ, dơt dơt cô, huyện Đắk Song
17. Trích đoạn “Lễ Sum họp cộng đồng”, huyện Đắk R'lấp
18. Diễn tấu chiêng, múa xoang “Mừng lúa mới”, Trường THPT DTNT N'Trang Lơng
19. Diễn tấu “Ching Ngăn đón khách”, huyện Krông Nô
20. Tái hiện nghi lễ truyền thống người M'nông Chut Njuh "Lễ cúng lúa cầu được mùa”, huyện Tuy Đức
21. Đánh làm lễ cúng - A tông Ngă yang + kết hợp trích đoạn nghi lễ Kết nghĩa anh em của dân tộc Ê Đê, huyện Cư Jút
22. Cồng chiêng khua luống, huyện Cư Jút
23. “Trăng soi đường Bác”, TP. Gia Nghĩa
GIẢI B:
1. Đing năm hát đối đáp dân ca Ê Đê “Buôn Dur kmăn”, huyện Cư Jút
2. Đánh báo lễ hội “A Tông hưn mthao kơ buôn sang”, huyện Cư Jút
3. Tái hiện nghi lễ “Sum họp cộng đồng”, huyện Đắk Song
4. Diễn tấu chiêng “Pep Kon Zun và Tộ Clêng”, huyện Đắk Glong
5. Diễn tấu chiêng “Mừng mùa”, huyện Đắk R'lấp
6. Nhạc cụ dân tộc Sáo Nông Ke Rpu, huyện Đắk R'lấp
7. Hát dân ca “Sum họp”, huyện Đắk Mil
8. Diễn tấu cồng chiêng, huyện Đắk R'lấp
9. Đánh chiêng, múa “Pich tơ trơ”, huyện Đắk Mil
10. Diễn tấu cồng chiêng kết hợp múa phụ họa, huyện Đắk R'lấp
11. Độc tấu m’ buốt “Đón khách” và “Wao klềng”, huyện Đắk Glong
12. Hát dân ca “Gọi Thần rừng”, huyện Đắk Song
13. Độc tấu đàn tính: “Quê hương ta mở hội đón xuân”, huyện Tuy Đức
14. Múa “Kam Rooc” (Múa mừng mùa), huyện Krông Nô
15. Độc tấu thổi nung, TP. Gia Nghĩa
16. Độc tấu đàn tính “Tổ khúc non xa xa”, Trường THPT DTNT N'Trang Lơng
17. Diễn tấu cồng chiêng “Mừng lúa trổ bông”, TP. Gia Nghĩa
18. Độc tấu sáo mèo “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, Trường THPT DTNT N'Trang Lơng
II. GIẢI TOÀN ĐOÀN
Giải A: huyện Cư Jút, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Glong
Giải B: huyện Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Mil, TP. Gia Nghĩa, Trường THPT DTNT N'Trang Lơng (TP. Gia Nghĩa)
III. GIẢI PHỤ
1. Diễn viên nhỏ tuổi nhất: Y Hưởng (SN 2020), huyện Krông Nô
2. Nghệ nhân lớn tuổi nhất: Y Tiên (SN 1950), huyện Krông Nô
3. Tiết mục kết hợp trình diễn của đội nghệ nhân lớn tuổi và đội văn nghệ dân gian nhỏ tuổi xuất sắc nhất: Trích đoạn nghi lễ “Lễ cúng rào bon trồng cây”, huyện Krông Nô