Đắk Nông bảo đảm giáo viên để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12 và thi tốt nghiệp THPT. Để triển khai hiệu quả chương trình, các địa phương, trường học thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng giáo viên.
Giáo viên kề vai sát cánh, chia sẻ khó khăn với tỉnh
UBND tỉnh đề nghị các đơn vị tập trung tìm các giải pháp tối ưu, phù hợp quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn của ngành Giáo dục, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên.
Năm học mới 2024-2025, tỉnh Đắk Nông mong muốn tất cả các thầy, cô, cơ sở giáo dục cùng kề vai sát cánh, chia sẻ khó khăn của tỉnh, tiếp tục cống hiến, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Giáo viên là yếu tố quan trọng trong triển khai Chương trình GDPT 2018
Năm học 2024-2025 được coi là năm của Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông thiếu khoảng hơn1.500 biên chế giáo viên, trong đó, cấp mầm non và tiểu học thiếu nhiều giáo viên nhất. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là khi toàn ngành đang triển khai Chương trình GDPT 2018.
Trên thực tế, ngành Giáo dục thiếu giáo viên và hàng năm đều được bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế. Tuy nhiên đi cùng với đó cũng là chỉ tiêu tinh giản biên chế. Việc giảm biên chế và cấp biên chế nên được đánh giá bằng công thức khoa học và rà soát đặc điểm, điều kiện thực tiễn của từng địa phương để không xảy ra tình trạng cào bằng, thiếu lại càng thiếu.
Về giải pháp, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông đã đề nghị các trường rà soát lại nhu cầu thực tế để xem xét điều chuyển các giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, không để tình trạng thiếu giáo viên cục bộ gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cho chủ trương các trường ký hợp đồng với các giáo viên để bảo đảm công tác giảng dạy.
Về lâu dài, Sở GD-ĐT tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương xem xét cơ chế đặc thù cho tỉnh Đắk Nông, không tinh giản biên chế 10% đối với ngành Giáo dục.
Phân bổ giáo viên hợp đồng 111 về các trường
Năm học 2024-2025, TP. Gia Nghĩa thiếu khoảng 140 giáo viên. Ngoài số giáo viên đã thực hiện tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế, TP. Gia Nghĩa được bổ sung khoảng hơn 80 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ (Hợp đồng 111).
Căn cứ số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, dự báo nhu cầu nhân lực đáp ứng việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, UBND TP. Gia Nghĩa đã chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng GD-ĐT và các trường báo cáo nhu cầu để phân bổ giáo viên phù hợp, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tình trạng thiếu giáo viên đã kéo dài nhiều năm qua, TP. Gia Nghĩa cùng với các sở, ngành của tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để ổn định hoạt động dạy và học. Lãnh đạo thành phố mong muốn, nhà trường, các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh tiếp tục đồng hành, san sẻ khó khăn trong tình hình hiện nay, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Bố trí giáo viên dạy liên trường, tăng giờ
Thống kê sơ bộ, hiện nay ngành Giáo dục huyện Tuy Đức thiếu hơn 100 giáo viên ở tất cả các bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở. Tình hình tuyển dụng một số môn học đặc thù như Tiếng Anh, Tin học gặp nhiều trở ngại do không có nguồn tuyển hoặc không có người nộp hồ sơ dự tuyển. Do vậy, việc triển khai và thực hiện Chương trình GDPT 2018 còn gặp những hạn chế nhất định.
Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 3 đến lớp 5 sẽ có 4 tiết Tin học/tuần. Trước mắt, để bảo đảm môn học được triển khai đầy đủ tại tất cả các trường, ngành Giáo dục đã thực hiện giải pháp bố trí giáo viên dạy liên trường, trong đó 2 trường tiểu học nằm gần nhau, cùng một khu vực địa lý sẽ có 1 giáo viên đứng lớp môn Tin học.
Ngoài số chỉ tiêu giáo viên theo diện Hợp đồng 111 đã phân bổ về các trường, một số trường vẫn thiếu giáo viên. Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức đã kiến nghị UBND huyện bố trí kinh phí để trả tiền dạy thêm giờ (dạy kê, dạy gác) cho giáo viên.
Định hướng cho học sinh lựa chọn môn học có giáo viên
Năm học 2024-2025, Trường THPT Phạm Văn Đồng được giao 66 biên chế giáo viên. Theo quy định của Chương trình GDPT năm 2018, trường còn thiếu khoảng 6 giáo viên.
Bên cạnh thiếu giáo viên, trường lại xảy ra tình trạng thừa cục bộ. Để giải quyết tình trạng này, nhà trường phải linh hoạt sắp xếp, phân công giáo viên làm công tác chủ nhiệm, số giờ đứng lớp để bảo đảm các thầy cô giáo đủ số tiết.
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, 3 năm học trở lại đây, ở bậc THPT, học sinh có thể tự chọn học môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Cũng giống như hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh, Trường THPT Phạm Văn Đồng chưa tuyển được giáo viên dạy môn học này.
Đầu năm học, nhà trường thông báo cho học sinh việc chưa có giáo viên dạy môn Nghệ thuật đồng thời định hướng, tư vấn để các em lựa chọn môn học phù hợp hơn. Nhìn chung, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi rõ ràng, thiếu giáo viên đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện đầy đủ chương trình GDPT mới.
Sắp xếp thời khóa biểu phù hợp với học sinh và giáo viên
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, Trường TH-THCS Phan Đình Giót thiếu khoảng 4 giáo viên, chủ yếu là môn tích hợp. Thực tế, việc phải bố trí 2-3 giáo viên dạy môn học tích hợp gây khó khăn trong việc quản lý kiểm tra, đánh giá học sinh và xếp thời khóa biểu.
Để khắc phục, nhà trường bố trí giáo viên dạy theo các nội dung, chuyên đề, chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng và số thời gian đứng lớp của giáo viên, nhà trường thường xuyên điều chỉnh thời khóa biểu cho phù hợp.
Về lâu dài, nhà trường kiến nghị ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan cần khẩn trương có chính sách hỗ trợ, tuyển dụng giáo viên hợp lý, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn; hướng dẫn việc bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo chương trình bồi dưỡng đã được phê duyệt.
Đưa giáo viên Âm nhạc đi đào tạo Tin học:
Năm học 2024-2025, nhà trường có gần 900 học sinh, trong đó có trên 50% học sinh dân tộc thiểu số. Theo chương trình GDPT mới, mỗi lớp học không quá 35 em, nhưng hiện nay có lớp phải bố trí 48 em do toàn trường thiếu đến 6 giáo viên, trong đó không có giáo viên môn Tin học nào. Ngoài ra, nhà trường còn thiếu 4 nhân viên trường học, ảnh hưởng tới việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn và quản lý học sinh.
Trước mắt, để khắc phục việc thiếu giáo viên Tin học, cuối năm học 2023-2024, nhà trường đã cử một giáo viên dạy môn Âm nhạc đi học chứng chỉ tin học từ đầu năm học này, cô giáo đã đứng lớp dạy cho học sinh.
Đối với môn Âm nhạc, nhà trường phân công giáo viên bộ môn hoặc giáo viên chủ nhiệm dạy thay số tiết của cô giáo Âm nhạc. Giải pháp này phần nào đã giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên nhưng về lâu dài, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng do giáo viên Tin học chỉ được đào tạo ngắn hạn, một số môn học khác do giáo viên dạy kiêm môn.