Đời sống

Đắk Nông bảo đảm an sinh xã hội trong quá trình phát triển

T. H 12/03/2024 04:42

20 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh, công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi, nâng cao đời sống người dân luôn được Đắk Nông chú trọng thực hiện, gắn chặt với nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội

Năm 2004 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 2.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Đến thời điểm tháng 8/2023, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện chi trả cho 12.472 đối tượng bảo trợ xã hội.

Hàng năm vào dịp tết nguyên đán, giáp hạt và những năm bị dịch bệnh, thiên tai, Sở LĐ-TB & XH tỉnh Đắk Nông đã chủ động tham mưu đề xuất UBND tỉnh trình Chính phủ xuất cấp gạo để hỗ trợ Nhân dân.

hinh-1.jpg
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông đang chăm sóc, nuôi dưỡng 86 đối tượng bảo trợ xã hội

Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành LĐ-TB & XH đã tham mưu hỗ trợ xây dựng hơn 4.300 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khó khăn khác. Nhờ những căn nhà này, nhiều hộ gia đình đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát, có động lực để vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông đang chăm sóc, nuôi dưỡng 86 đối tượng bảo trợ xã hội thì còn có nhiều tổ chức, cá nhân cũng đứng ra nhận bảo trợ, chăm sóc nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế. Trong đó phải kể đến Tổ chức Maison Chance, là chủ đầu tư của dự án Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nhà May mắn tại xã Đắk Sôr (Krông Nô). Trong những năm qua, ngoài việc nuôi dưỡng, bảo trợ những đối tượng khó khăn, yếu thế, Tổ chức Maison Chance đã từng bước thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về người khuyết tật. Đối với những đề xuất của dự án, căn cứ vào điều kiện thực tế, các sở, ngành và huyện Krông Nô cần tham mưu để UBND tỉnh quyết định.

Năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông và Tổ chức Maison Chance ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2026. Dự án sẽ hỗ trợ tối đa 230 đối tượng yếu thế thông qua việc nuôi dưỡng, giáo dục- đào tạo và tạo việc làm; cải thiện sức khỏe; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng... Tổng kinh phí triển khai hoạt động giai đoạn 2021-2026 là hơn 58 tỷ đồng, tương đương với 2,5 triệu USD do Tổ chức Maison Chance tài trợ.

Trẻ em được tạo điều kiện để phát triển toàn diện

Toàn tỉnh Đắk Nông có 196.971 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 29,3% tổng dân số, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi là 77.277cháu. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là một hoạt động toàn diện, không chỉ riêng về vật chất mà còn có cả hoạt động chăm lo về tinh thần, trang bị kiến thức giúp các em tự bảo vệ mình.

img_2262.jpg
Toàn tỉnh Đắk Nông có 196.971 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 29,3% tổng dân số

Giai đoạn từ năm 2004 - 2023, các cấp, các ngành, địa phương đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trực tiếp tại 163 trường tiểu học và THCS; xuất bản và phát 190.900 tờ rơi, sách về phòng, tránh tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức 50 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ cấp cơ sở.

Cùng các hoạt động tặng quà, học bổng, các cấp, ngành, đơn vị cũng quan tâm công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, kỹ năng chung tay bảo vệ trẻ em. Trong giai đoạn 2004 -2023, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thành công 6 lượt Diễn đàn trẻ em với sự tham gia 451 trẻ. Các huyện, thành phố tổ chức 27 diễn đàn trẻ em.

hinh-2.jpg
Trong giai đoạn 2004 -2023, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thành công 6 lượt Diễn đàn trẻ em

Qua hoạt động diễn đàn, các em có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị các vấn đề liên quan đến trẻ em tới các cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp.

Các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích trẻ em... Những hoạt động giáo dục giới tính, phòng, chống xâm hại tình dục, đuối nước, kỹ năng sống cho trẻ được tổ chức thường xuyên, góp phần giúp trẻ có thêm kiến thức bảo vệ bản thân.

bai-tet-duong-tre-em-2.jpg
Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được nâng lên

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, việc huy động sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em của các đơn vị ngày càng có hiệu quả. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc ngày càng tăng (trên 95%); các mục tiêu trong chương trình bảo vệ trẻ em đều đạt và vượt chỉ tiêu của Trung ương, của tỉnh đề ra.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu

Là tỉnh “sinh sau, đẻ muộn”, địa hình đồi núi chia cắt nên những ngày đầu, đời sống của người dân rất khó khăn. Kết quả rà soát cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2006 chiếm 33,73%. Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau (tức năm 2010), hộ nghèo của tỉnh chiếm tỷ lệ 7,02%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2006-2010 đề ra.

Bước sang giai đoạn mới, công tác giảm nghèo vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Đắk Nông. Năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 29,25%; đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,75%. Ở giai đoạn này, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện đạt chỉ tiêu mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra, đó là cuối năm 2015 tỷ lệ còn dưới 15%.

img_1637.jpg
20 năm sau ngày tái lập tỉnh, công tác giảm nghèo vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Đắk Nông

Lộ trình giảm hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 và 2020-2023 cơ bản đạt với chỉ tiêu đề ra. Tại kỳ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 11,19%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 7,97% (giảm 3,22% so với năm 2021).

Năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo chung của tỉnh không đạt như chỉ tiêu là 3% (kết quả là 2,79%). Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm 8,1% (kế hoạch là 5%), vượt chỉ tiêu đề ra và đứng đầu trong khu vực Tây Nguyên.

Trong 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Nông giảm từ 33,73% năm 2004 xuống còn 5,18% năm 2023. Kết quả này có được là sự cộng hưởng từ 3 yếu tố chính, gốm vai trò của Nhà nước; vai trò của cộng đồng xã hội và bản thân các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là hơn 2.300 tỷ đồng. Cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, các chính sách hỗ trợ về vốn, sinh kế, việc làm, nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin… được triển khai đến từng đối tượng đã tác động tích cực đến cuộc sống người dân cũng như kết quả giảm nghèo của tỉnh.

phat-ngon-ong-tu-e71ff857ddcf486134b798c677efb5d2.jpg
Ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở LĐ-TB & XH tỉnh Đắk Nông khái quát về kết quả giảm nghèo

Vai trò của cộng đồng xã hội trong công tác giảm nghèo được thể hiện ở việc, các cấp, các ngành, các tổ chức hội đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều mô hình hỗ trợ hộ nghèo như: “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”, “Mẹ đỡ đầu”, hay phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”…

k-bang-dak-ha.jpg
Tính cả giai đoạn 20 năm tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 33,73% năm 2004 xuống còn 5,18% năm 2023

Yếu tố tiên quyết, tác động tích cực nhất đến kết quả giảm nghèo của tỉnh thời gian qua chính là ý chí chủ động vươn lên của người dân. Nhiều hộ sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông bảo đảm an sinh xã hội trong quá trình phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO