Đắk Nông bàn phương án chống hạn cho 1.500ha cây trồng
Chiều 27/2, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông tổ chức làm việc với huyện Đắk Mil và huyện Krông Nô bàn phương án điều tiết nước chống hạn cho diện tích cây trồng.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, 1.500ha cây trồng tại 2 xã Nam Xuân và Đắk Sôr, huyện Krông Nô đang thiếu nước tưới. Hiện nay, khoảng 30% diện tích cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả trên địa bàn 2 xã này chưa đủ nước tưới đợt 2.
Trước tình trạng này, 2 xã Đắk Sôr và Nam Xuân đề nghị ngành chức năng, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông sớm có phương án điều tiết nước để kịp thời đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng của người dân.
Tại buổi làm việc, các địa phương đã có nhiều ý kiến liên quan đến tình hình nước tưới. Các địa phương mong công ty sớm điều tiết nước vì hiện nay, nhu cầu nước tưới của người dân rất cấp thiết. Một số diện tích cây lâu năm thiếu nước tưới đợt 2 đã nhiều ngày.
Các xã mong muốn việc điều tiết nước cần người dân, địa phương ở thượng nguồn phối hợp để nước có thể về hạ nguồn phục vụ tưới. Phương án điều tiết nước cần phải thực hiện liên tục trong vòng 10 - 12 ngày.
Về phía Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông thông tin, tại Đắk Mil, công ty đang quản lý 43 công trình thủy lợi, hồ đập. Trong đó, nhiều hồ đập mực nước đã thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước.
Hiện nay, có gần 200ha cây trồng ở xã Nam Xuân và Đắk Sôr được UBND tỉnh giao cho công ty cung cấp nước tưới từ các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đơn vị sẽ điều tiết để phục vụ toàn bộ diện tích các xã đề nghị khi đã cân đối việc cung cấp nước ở các hồ đập tại huyện Đắk Mil.
Ông Nguyễn Tường Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết, các địa phương cần rà soát diện tích có nguy cơ hạn hán cao để ưu tiên nguồn nước.
Công ty sẽ xây dựng phương án điều tiết, thời gian điều tiết, lưu lượng điều tiết nước. Cụ thể, lưu lượng điều tiết đợt 1 từ 300.000 - 400.000m3 nước, kéo dài 10 ngày liên tục. Sau đó, điều tiết đợt 2 nếu các địa phương tiếp tục thiếu nước.
Các xã cần tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, khơi thông các tuyến suối gây ách tắc, thất thoát nguồn nước. Các địa phương cử lực lượng để bảo đảm an toàn, an ninh, tránh gây mất trật tự do tranh chấp nguồn nước tưới.