Đắk Nông áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp
Công nghệ sinh học (CNSH) đang được người dân Đắk Nông áp dụng vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị nông sản, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Các thành viên của HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đang sản xuất cà phê, hồ tiêu, sầu riêng theo hướng sử dụng, nuôi vi sinh vật có lợi và xác bã động thực vật.
Các thành viên HTX áp dụng quy trình tự nhân nuôi vi sinh vật có lợi để ứng dụng sản xuất phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu, trừ nấm sinh học.
Cụ thể, đối với đạm hữu cơ được tích hợp từ quá trình ủ cá tươi, đậu tương; kali được tích hợp từ quá trình ủ thân và quả chuối; trung vi lượng từ bí đỏ; lân được tích hợp từ quá trình ngâm xương động vật, vỏ trứng, vỏ ốc…
Ông Hà Công Xã, thành viên của HTX Bechamp Đắk Nông phân tích, khi ủ một tấn cá nước ngọt, chi phí hết khoảng 10 triệu đồng thì tích hợp được tương đương với 2 tấn đạm ure, giảm chi phí được khoảng 20 triệu đồng/ha cà phê/năm.
Ủ 5 khối thân cây chuối với chi phí khoảng 2,5 triệu đồng thì tích hợp được khoảng 1 tấn kali, giảm chi phí được khoảng 10 triệu đồng /ha cà phê/năm.
Ngoài ra, các thành viên của HTX còn sử dụng gừng, tỏi, ớt… để sản xuất thuốc diệt các loại sâu bệnh. Nhân nuôi nấm Tricoderma trị được nấm hồng, rỉ sắt và một số nấm hại khác trên cây trồng.
Ngoài HTX Bechamp, nhiều HTX, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng CNSH vào phát triển sản xuất nông nghiệp giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa.
Đơn cử, gia đình anh Nguyễn Văn Chung, ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, canh tác hơn 3 ha hồ tiêu. Để vườn tiêu phát triển bền vững anh Chung đã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Anh sử dụng phân bò, đạm cá và các chế phẩm sinh học tạo thành phân bón cho cây trồng và phòng trừ sâu bệnh.
Anh Chung cho biết, cách canh tác này giúp tôi giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá thành sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho bản thân.
Từ việc áp dụng CNSH, nhiều vườn cây trồng đã đạt các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ và các tiêu chuẩn khác.
Cụ thể, tại huyện Đắk Song có 4.454 ha cây trồng đạt chứng nhận các loại. Huyện Krông Nô có 7 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, hữu cơ với hơn 1.000 ha…
Nhiều người dân Cư Jút sử dụng chế phẩm EM, Trichoderma trong ủ phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học Pseudomonas, Baccillus trong phòng trừ tuyến trùng, rệp sáp cho cây trồng…
Toàn tỉnh có trên 28.000 ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận VietGAP, 4C, UTZ Certified, GlobalGAP, Organic… Từ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã từng bước được cải thiện cả về năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Từ vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn nông nghiệp, nhiều nông sản bước đầu có thương hiệu, uy tín trên thị trường như: cà phê Đức Lập; sầu riêng Đức Mạnh; cà phê đặc sản tại Đắk Mil, Đắk R’lấp; lúa gạo Buôn Choáh; bơ núi lửa Krông Nô; khoai lang Tuy Đức...
Theo lãnh đạo Sở KH-CN Đắk Nông, CNSH đang được người dân trên địa bàn tỉnh áp dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. CNSH đã giúp người dân thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
CNSH đã góp phần giúp nông sản đạt các tiêu chuẩn chất lượng mở ra nhiều cơ hội kết nối tiêu thụ. Đây là kết quả của quá trình phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về phát triển và ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông những năm qua.