Đắk Nông: Ấn tượng giảm nghèo tại xã có hơn 70% dân tộc thiểu số
Xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã có những cách làm hay, phù hợp trong công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân vươn lên trong cuộc sống.
Xã Nam Xuân có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm trước, địa phương đã tập trung nguồn lực, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, xã tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xã phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện cho người dân vay vốn đầu tư sản xuất.
Chị Hoàng Thị Oanh ở thôn Sơn Hà, xã Nam Xuân, từng thuộc diện hộ cận nghèo. Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, chị Oanh đã đầu tư mua bò giống về chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập. Nhờ đó, gia đình chị Oanh đã tích lũy được một số vốn, sau đó sử dụng nguồn vốn này để cải tạo vườn cà phê. Qua 2 năm trồng, vườn cà phê tái canh của gia đình đã cho thu bói và dự kiến sẽ cho thu chính vào năm tới.
Chị Oanh chia sẻ: “Người dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhờ đó giảm gánh nặng về chi phí đầu tư, sản xuất. Hai năm trước, khi ổn định đời sống, gia đình tôi cũng xây được một căn nhà kiên cố, khang trang như hiện nay”.
Từ nguồn hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hóa, đến nay, xã Nam Xuân đã xóa hết nhà tạm. Các hộ được hỗ trợ xây nhà ở đã nỗ lực vươn lên để thoát nghèo.
Ông Đàm Viết Văn ở thôn Sơn Hà chia sẻ cảm xúc khi được về trong căn nhà mới: “Là diện hộ nghèo nên tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà. Cùng với số tiền tiết kiệm, vay mượn thêm họ hàng, tôi đã xây được căn nhà rộng hơn 60m2 . Có nhà mới, vợ chồng con cái đều phấn khởi, tập trung làm kinh tế để thoát nghèo bền vững”.
Theo UBND xã Nam Xuân, để người dân thoát nghèo, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, từ đó thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Đặc biệt, địa phương này cũng phối hợp với các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động là người đồng bào DTTS. Đây là giải pháp hiệu quả, giúp người nghèo, người khó khăn tiếp cận với những phương thức sản xuất hiện đại.
Là một trong số hàng trăm phụ nữ xã Nam Xuân tham gia lớp xóa mù chữ, chị Lương Thị Đan, thôn Đắk Xuân đã hoàn thành các khóa học trong chương trình.
Sau 3 năm theo học, không chỉ biết viết, biết đọc, chị Đan còn sử dụng thành thạo điện thoại di động để tra cứu những thông tin bổ ích, áp dụng vào việc sản xuất của gia đình. Chị Đan cho biết: “Được sự động viên của người thân, tôi đi học xóa mù chữ khi đã hơn 40 tuổi. Đến nay, tôi đã đọc và viết thành thạo nên mỗi khi có công việc ở xã hoặc huyện, tôi đều tự đi làm mà không phải nhờ các con đưa đi như trước đây nữa”.
Cũng như nhiều địa phương khác, quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Nam Xuân gặp rất nhiều khó khăn. Để về đích nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, địa phương đã lồng ghép hiệu quả nguồn vốn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình.
Ông Vi Quốc Nhất, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết: “Bằng các chính sách phù hợp và phát huy nội lực, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nam Xuân giảm còn 3,6%. Hiện nay, xã Nam Xuân đang hoàn thiện hồ sơ để trình cấp trên xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong những năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đời sống người dân tiếp tục được nâng cao”.