Đắk Nông 4 năm tăng thu nhập bình quân 1,7 lần
Từ năm 2020 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh liên tục tăng. Đây là nền tảng để Đắk Nông hiện thực hóa mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 106 triệu đồng vào năm 2030.
Thu nhập của người dân được cải thiện
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện nhiều gương sáng trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong số này có nhiều cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), luôn ý thức tự lực vươn lên, làm giàu chính đáng và trở thành điển hình, tấm gương cho người dân địa phương.
Điển hình như anh Đặng Chòi Phú, thôn Đắk Na, xã Tân Thành, huyện Krông Nô. Năm 1998, gia đình anh Phú từ tỉnh Cao Bằng vào tỉnh Đắk Nông lập nghiệp. Ngoài 9 sào rẫy trồng cây ngắn ngày, thời điểm đó vợ chồng anh Phú phải đi làm thuê nhiều nơi để nuôi 4 người con.
Sau những ngày tháng miệt mài học hỏi, lao động, tích góp, đến nay, anh Phú đã có 8 ha đất sản xuất cà phê và hồ tiêu, mang lại doanh thu cả tỷ đồng.
Anh Phú chia sẻ: “Ngày mới vào Đắk Nông lập nghiệp, tôi cũng giống như nhiều hộ đồng bào Dao khác, chỉ có hai bàn tay trắng. Qua nhiều năm canh tác, tích lũy kinh nghiệm, tôi đã thực hiện cải tạo vườn cà phê theo phương pháp ghép cành và sản xuất hữu cơ. Nhờ đó, vườn cà phê giúp gia đình thu được khoảng 40 tấn cà phê nhân mỗi năm”.
Anh Phú chỉ là một trong số rất nhiều “tỷ phú” nông dân của tỉnh Đắk Nông. Nhờ chịu khó làm ăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ý thức vươn lên, rất nhiều người dân của tỉnh Đắk Nông đã có thu nhập cao, qua đó góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người (TNBQ) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Cụ thể, TNBQ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng từ 38,65 triệu đồng năm 2016 lên 47,76 triệu đồng năm 2020. Với kết quả này, Đắk Nông đã thoát khỏi nhóm có TNBQ thấp. Từ năm 2021 đến năm 2024, TNBQ của tỉnh Đắk Nông liên tục tăng cao và ước đạt 80,14 triệu đồng vào năm 2024, cao hơn kế hoạch 11,29 triệu đồng, , vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đề ra.
Thu nhập bình quân đầu người tăng cao minh chứng rõ nét nhất tại huyện Đắk Glong. Là một trong số các huyện nghèo của cả nước, năm 2020, TNBQ của huyện chỉ đạt 30 triệu đồng nhưng đến cuối năm 2023, huyện Đắk Glong đạt trên 43 triệu đồng. Với kết quả này, đến năm 2025, huyện Đắk Glong có khả năng thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.
Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Qua kết quả rà soát sơ bộ, năm 2024, TNBQ của huyện đạt khoảng 49 triệu đồng. Dự kiến đến năm 2025, huyện sẽ đạt khoảng 53 triệu đồng/người, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra từ đầu nhiệm kỳ”.
Tác động từ nhiều yếu tố
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Đắk Nông tăng cao trong những năm gần đây là nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
Trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành, tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy khả năng, trí tuệ của mình để xây dựng, phát triển các mô hình, cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các địa phương, hộ gia đình cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tiêu chuẩn chất lượng trong các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, đặc biệt là cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… tăng mạnh. Đây là một trong những yếu tố góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, với trên 70% dân số làm nông nghiệp và đa số hộ nghèo là nông dân, tỉnh Đắk Nông xác định hỗ trợ sản xuất là giải pháp quan trọng giúp người dân có điều kiện nâng cao thu nhập.
Cùng với việc phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Kinh tế có sự phát triển, thu nhập từng bước ổn định đã giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững, cải thiện “bức tranh” TNBQ chung của tỉnh Đắk Nông.
Bà Hoàng Thị Căn, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp chia sẻ: “Trong những năm qua, gia đình tôi đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư sản xuất. Nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, không chỉ giúp gia đình tôi thoát nghèo vào cuối năm 2023 mà còn giúp tôi có thu nhập ổn định hàng năm khoảng trên 100 triệu đồng”.
Song song với các giải pháp phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Nông khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp. Các chính sách, chương trình nghị sự đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Hướng tới mục tiêu 106 triệu đồng/người
Thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 TNBQ đạt 106 triệu đồng.
Để thực hiện được mục tiêu trên, giải pháp của tỉnh là đẩy mạnh phát triển công nghiệp bô xít - nhôm; phát triển du lịch dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung với các ngành hàng chủ lực của tỉnh theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, theo chuỗi giá trị; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến.
Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đã được địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Trên địa bàn huyện Tuy Đức ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất đem lại thu nhập cao. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới ngày càng nhiều và hoạt động hiệu quả hơn, từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Tới cuối năm 2024, huyện Tuy Đức đã có hơn 100 hợp tác xã, tổ hợp tác, bình quân doanh thu là hơn 1 tỷ đồng/năm. Các hợp tác xã, tổ hợp tác không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương mà còn góp phần hình thành các chuỗi giá trị, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người dân”, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho hay.
Để người dân có mức sống, thu nhập khá trong vùng Tây Nguyên, ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án… tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên của người dân; đặc biệt, tỉnh tập trung nguồn lực để hỗ trợ người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Ông Châu Ngọc Lương, Giám đốc Sở LĐTB-XH cho rằng, qua rà soát, tỉnh Đắk Nông cơ bản đạt được các chỉ tiêu về công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần đáng kể về việc thực hiện chỉ tiêu TNBQ đầu người. Từ các kết quả đạt được, ngành LĐTB-XH sẽ đưa ra cơ sở dữ liệu, giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện các nhiệm vụ còn lại trong năm cuối của nhiệm kỳ 2020- 2025.