Một đoạn đường ở TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) bị sụt lún cách đây gần 10 năm nhưng cơ quan chức năng vẫn loay hoay trong việc sửa chữa, khắc phục.
Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư nhưng chưa xử lý
Dự án đường Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2004, hoàn thành vào cuối năm 2012. Đây là trục đường chính kết nối khu hành chính nhiều sở, ban, ngành của tỉnh với trụ sở các cơ quan của TP. Gia Nghĩa.
Công trình do Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Đắk Nông làm chủ đầu tư và bàn giao cho UBND TP. Gia Nghĩa quản lý từ tháng 8/2014.
Trước khi bàn giao, công trình này đã có hiện tượng sụt lún và được ghi cụ thể trong biên bản kiểm tra trước khi bàn giao, đưa vào sử dụng tháng 7/2014.
Vào tháng 1/2018, Sở Xây dựng Đắk Nông kiểm tra và ghi nhận có nhiều vệt nứt ngang, giật cấp trên khoảng 500m của đường Trần Hưng Đạo. Chiều rộng các vệt nứt khoảng từ 1 - 3cm.
Theo Sở Xây dựng Đắk Nông, đoạn đường này từng xảy ra hiện tượng nứt vào thời điểm tháng 9/2012. Khi kiểm tra đầu năm 2018, các vết nứt xuất hiện thêm và diễn biến phức tạp hơn. Khu vực sụt lún nằm trong vùng đất yếu, có nguy cơ đứt gãy về địa chất nên tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt cao.
Tháng 9/2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho Sở GT-VT chủ trì xử lý sự cố tuyến đường Trần Hưng Đạo. Sở GT-VT thuê đơn vị có năng lực đánh giá nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục cùng giải pháp lưu thông trên cơ sở bảo đảm an toàn công trình và người dân.
Đó cũng là thời điểm UBND TP. Gia Nghĩa cấm các phương tiện lưu thông trên đoạn đường sụt lún. UBND TP. Gia Nghĩa đã thông báo rộng rãi cho các đơn vị có hệ thống công trình ngầm (điện, viễn thông, hệ thống cấp nước) có phương án di dời và thông báo cho người dân khu vực xung quanh có biện pháp phòng tránh sự cố.
Qua giám định thời điểm năm 2019, Sở Xây dựng Đắk Nông cho rằng, nguyên nhân để xảy ra sự cố là do chủ đầu tư chưa tuân thủ chặt chẽ việc khảo sát và thi công xây dựng.
Công tác quản lý chất lượng khảo sát, thi công còn sai sót. Công tác báo cáo đánh giá, nghiệm thu chưa chặt chẽ dẫn đến hạn chế về chất lượng công trình.
Sự cố sụt lún tại khu vực này đã từng xuất hiện từ năm 2006 và chủ đầu tư đã xử lý, khắc phục nhưng kết quả chưa cao, chưa bảo đảm ổn định nền đường lâu dài.
Cũng theo Sở Xây dựng, dù đã xác định được trách nhiệm như vậy, nhưng từ đó tới nay, hầu như chủ đầu tư chưa phải chịu bất kỳ hình thức xử lý nào và đang bị lãng quên.
Nhiệm vụ khắc phục, xử lý sụt lún tại đường Trần Hưng Đạo được UBND tỉnh đã giao cho UBND TP. Gia Nghĩa. Tháng 6/2021, UBND tỉnh thống nhất cho khắc phục sụt lún và cho lưu thông tạm thời trên phần đường taluy dương (đường Trần Hưng Đạo là đường 1 chiều có dải phân cách cố định ở giữa).
Năm 2022, UBND TP. Gia Nghĩa đã giao phòng chuyên môn xử lý tạm mặt đường. Các đơn vị đã bịt các khe nứt mặt đường bằng rải thảm nhựa, hạn chế nước chảy xuống khe nứt và rào chắn phần taluy âm.
Nhưng vào mùa mưa năm 2023, các vết nứt tại khu vực này có dấu hiệu phát triển nhanh. Tại khu vực đường Trần Hưng Đạo xuất hiện các vết nứt rộng từ 3 - 5cm, độ sâu từ 10cm, chiều dài khoảng 25m.
Từ tháng 10/2023 tới nay, UBND TP. Gia Nghĩa đã quyết định cấm lưu thông trên đoạn đường đường Trần Hưng Đạo để bảo đảm an toàn cho người dân.
Sẽ sửa chữa tạm thời
Đường Trần Hưng Đạo được bàn giao cho UBND TP. Gia Nghĩa quản lý đã 10 năm. Trong đó, đoạn đường chính kết nối 2 khu trung tâm hành chính đầu não của TP. Gia Nghĩa và tỉnh Đắk Nông bị cấm trong phần lớn thời gian 6 năm, từ tháng 9/2018 tới nay.
Trong thời gian tìm giải pháp khắc phục hiện tượng sụt lún đường Trần Hưng Đạo, UBND TP. Gia Nghĩa đã sửa chữa, mở rộng đường Đinh Tiên Hoàng.
Con đường nhỏ, hẹp (bề rộng nền đường khoảng 5,5m) và là đường phụ bỗng chốc trở thành đường huyết mạch kết nối 2 khu hành chính.
Phương tiện lưu thông đông, đường Đinh Tiên Hoàng trở nên quá tải. Hai bên đường là rãnh thoát nước được xây dựng bằng bê tông và có cột bê tông chắn ở lề.
Nhưng tới nay, phần lớn các cột bê tông gần rãnh thoát nước đã bị gãy đổ do phương tiện va vào. Đường nhỏ hẹp mà có nhiều phương
tiện lớn lưu thông nên đường này thường xuyên xảy ra va chạm, tai
nạn giao thông.
Để tránh nguy cơ mất an toàn về giao thông, nhiều người dân quyết định chọn việc đi vào đường Trần Hưng Đạo. “Chúng tôi biết việc đi vào đoạn đường sụt lún sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhưng việc đi vào đường này nhanh hơn và cũng bớt nguy cơ tai nạn hơn đi đường Đinh Tiên Hoàng”, một người dân chia sẻ.
Theo UBND TP. Gia Nghĩa, thành phố đã khảo sát, nghiên cứu việc lập quy hoạch chi tiết 1 dự án dân cư phường Nghĩa Tân (bên phía taluy âm đường) lồng ghép với việc sửa chữa đường Trần Hưng Đạo.
Nhưng phương án này cho thấy một số vấn đề bất cập vì ảnh hưởng tới kết cấu công trình cũng như an toàn khu vực dân cư. Nên sau đó, thành phố đã quy hoạch chi tiết bên phía taluy âm đường Trần Hưng Đạo là đất cây xanh để sau này trồng các loại cây xanh chuyên biệt, giữ đất trong phạm vi an toàn và hạn chế việc sạt lở đất.
Để khắc phục đường Trần Hưng Đạo, UBND TP. Gia Nghĩa đề xuất 1 dự án sửa chữa khoảng 85 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án này được các đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông phân tích quá tốn kém và tiềm ẩn những rủi ro lớn.
Nhất là trong thời điểm hiện tại, điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế và đang “thắt lưng buộc bụng” để dành cho cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Việc sửa chữa đường Trần Hưng Đạo được rất nhiều người dân quan tâm. Bởi đây là con đường chính đi lại của cán bộ cơ quan Nhà nước.
Đây cũng là trục đường chính của nhiều người dân, học sinh, phụ huynh lưu thông hàng ngày (đường Trần Hưng Đạo gần với Trường THPT Gia Nghĩa và Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc). Việc cấm đường kéo dài và không có giải pháp khắc phục khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc.
Trước tình hình trên, tháng 6/2024, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến đã tổ chức họp và giao UBND TP. Gia Nghĩa có phương án sửa chữa tạm thời.
Mục tiêu trước mắt là khắc phục sự cố, bảo đảm cho xe ô tô con, xe máy lưu thông tạm thời trên đường Trần Hưng Đạo. Phương án phải bảo đảm khả thi, tiết kiệm chi phí.
Theo lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa, thành phố hiện đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường để thống nhất phương án khắc phục tạm thời.
Các phương án đưa ra có chi phí khoảng dưới 1 tỷ đồng, sẽ khắc phục trong thời gian nhanh để phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của người dân.