Đời sống

Đắk Nia tăng thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm

Mỹ Hằng 10/06/2024 07:00

Thổ cẩm của đồng bào dân Mạ tại tỉnh Đắk Nông đã vươn xa, trở thành sản phẩm thời trang, đồ lưu niệm… mang lại thu nhập ổn định cho người dệt.

Ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, chị H’Thủy được nhận xét là người dệt thổ cẩm giỏi. Từ năm 13 tuổi, chị H’Thủy đã biết dệt. Đến năm 18 tuổi, chị H’Thủy đã dệt thành thạo những hoa văn cầu kỳ của dân tộc Mạ.

Hàng ngày, sau những giờ lên nương rẫy, chị H’Thủy cần mẫn bên khung dệt. Với sự cần cù và khéo léo của đôi bàn tay đã giúp chị H’Thủy tạo nên những tấm thổ cẩm với họa tiết, màu sắc, hình ảnh gần gũi với cuộc sống đời thường. Sản phẩm thổ cẩm làm ra bán mỗi tháng mang đến cho chị H’Thủy có thêm thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng.

Chị H’Thủy cho biết: “Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời và tồn tại cùng với sự phát triển của các bon đồng bào dân tộc Mạ ở xã Đắk Nia. Chúng tôi rất vui vì thứ vải truyền thống của dân tộc đã mang lại thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ trong bon và khơi gợi ý thức giữ gìn văn hóa cho thế hệ trẻ”.

hinh1-1-1-.jpg
Phụ nữ bon N’Jriêng dệt thổ cẩm, tăng thêm thu nhập nhờ nghề truyền thống

Thời gian qua, xã Đắk Nia đã triển khai dự án 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chính quyền địa phương khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho phụ nữ và trẻ em gái.

Xã Đắk Nia đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Tổ hợp tác trở thành nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Mạ địa phương.

Với vai trò Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia, chị H’Bình đã tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, chị H'Bình còn tự mình thiết kế nhiều trang phục phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm của tổ hợp tác không chỉ gói trọn trong phạm vi tỉnh Đắk Nông mà còn được xuất bán ra thị trường Lâm Đồng, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Đặc biệt nhờ màu sắc đặc trưng, một số mẫu thổ cẩm còn được các nhà thiết kế đưa vào sản phẩm thời trang, có tính ứng dụng cao.

Chị H’Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia cho biết: “Từ chỗ chỉ có một vài thành viên, đến nay tổ đã có hơn 10 chị em cùng nhau tham gia dệt. Sau hơn 5 năm thành lập, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia được đánh giá hoạt động ổn định, tạo dựng được thương hiệu”.

Sản phẩm của tổ hợp tác ngày càng được nhiều khách hàng biết đến
và đặt mua, mang về thu nhập ổn định cho mỗi thành viên từ 4-6 triệu đồng/tháng. Điều này tiếp thêm động lực, tạo sinh khí mới cho nghề diệt thổ cẩm.

hinh1-2-(2).jpg
Chị H’Bình cho biết, nghề dệt thổ cẩm của người Mạ bon N’Jriêng đang được tạo điều kiện để phát triển

UBND xã Đắk Nia đánh giá, thực tế cho thấy, với sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương và các hoạt động tôn vinh, kết nối cung- cầu, thổ cẩm đã bước qua được giai đoạn người già bỏ khung cửi, lớp trẻ ít mặn mà. Thổ cẩm đồng bào Mạ xã Đắk Nia đã có cơ hội vươn xa, nâng cao giá trị, góp phần thay đổi bon làng.

“Xã Đắk Nia đã chú trọng, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có thổ cẩm. Đây là cơ hội tạo đà cho du lịch thành phố phát triển bền vững, qua đó vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa”, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia Quản Thị Ngọc cho hay.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nia tăng thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO