Đắk Mil - Xứng danh vùng trọng điểm cà phê Đắk Nông
Hưng Nguyên•05/03/2025 18:10
Đắk Mil là vùng trọng điểm cà phê của Đắk Nông. Huyện đang tiên phong phát triển cà phê chất lượng cao, đặc sản, góp phần nâng giá trị sản phẩm.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất
Đắk Mil từ lâu đã được biết đến là vùng đất cà phê trù phú của tỉnh Đắk Nông. Huyện có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, cùng với sự đầu tư bài bản trong sản xuất, chế biến đang tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao, từng bước gây dựng thương hiệu trên thị trường.
Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông)
Sau vụ thu hoạch cà phê, anh Hồ Văn Vinh tuyển lựa cà phê để gửi mẫu dự thi cà phê đặc sản. Anh Vinh năm nay 28 tuổi. Khi đang học đại học thì ảnh bỏ dở trở về Đắk Mil gắn bó với cây cà phê .
Anh sản xuất cà phê theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Vinh kế thừa kinh nghiệm làm cà phê của gia đình và tự nâng cấp kiến thức qua các lớp học rang xay, thử nếm.
Anh Vinh là con trai ông Hồ Văn Hoan, ở thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Gia đình ông Hoan gắn bó với cây cà phê từ năm 1995, trải qua nhiều thăng trầm với cây trồng này.
Anh Hồ Văn Vinh ở thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) tuyển lựa cà phê để gửi mẫu dự thi cà phê đặc sản
Những năm đầu, kỹ thuật trồng và chăm sóc còn hạn chế, thời tiết khắc nghiệt, giá cà phê bấp bênh, khiến cuộc sống gia đình ông Hoan Vinh nhiều phen chật vật.
Nhưng nhờ kiên trì và không ngừng học hỏi, ông Hoan đã dần tích lũy kinh nghiệm, cải thiện phương pháp canh tác cà phê để đạt hiệu quả cao hơn.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ông Hoan chuyển hướng sang canh tác cà phê hữu cơ bền vững. Ông hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất sạch nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hiện nay, với 4ha cà phê, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 12 tấn cà phê nhân. Trong đó, sản lượng cà phê chất lượng cao khoảng 6 tấn.
Ông Hoan cho biết, để sản xuất cà phê chất lượng cao, ông đã thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Khâu thu hoạch ông chú trọng đạt tỷ lệ quả chín 100%.
Cà phê sau khi hát được xay ướt và phơi trên sàn lưới. Ông gửi cà phê chất lượng cao tham gia các cuộc thi và đạt chứng nhận cà phê đặc sản.
Quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao đang được nhiều người sản xuất cà phê tại Đắk Mil áp dụng
HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil đã nhiều năm áp dụng quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao. Trong đó, HTX tập trung thu hái cà phê đủ độ chín và sơ chế, chế biến sau thu hoạch.
Ông Võ Đình Danh, Giám đốc HTX cho biết, HTX đang có vùng nguyên liệu 50ha cà phê được sản xuất theo hướng đặc sản, với sản lượng khoảng 150 tấn cà phê nhân/vụ.
Số cà phê này đều đạt trên 80 điểm chất lượng theo đánh giá của các đơn vị độc lập, đủ tiêu chuẩn để chế biến đặc sản.
Ông Danh cho biết, sau nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, 50 thành viên của HTX đã nắm được quy trình sản xuất chất cà phê lượng cao.
Cà phê đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Đắk Mil
Đắk Milcó hơn 21.200ha, chiếm 62% tổng diện tích cây lâu năm của huyện và chiếm 15,5% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh. Sản lượng cà phê hàng năm của huyện đạt trên 50.000 tấn.
Huyện đã có 10.254ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Fair trade…. Nhờ áp dụng công nghệ cao nên năng suất bình quân của cà phê Đắk Mil cao hơn các vùng khác từ 10-30%.
Trên địa bàn huyện có 57 doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua và sơ chế cà phê nhân; 17 cơ sở rang xay, chế biến cà phê, với tổng công suất khoảng 1,5 tấn/ngày.
Huyện có 3 HTX đã liên kết với 1.220 hộ nông dân trên địa bàn tham gia sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, 4C, FairTrade…, với 1.503ha.
Sản xuất theo tiêu chuẩn giúp năng suất cà phê tăng 15%; thu nhập trung bình của nông dân trong mô hình tăng 14%; tiết kiệm được 40% lượng nước tưới…
Cà phê sản xuất ở Đắk Mil có mùi vị đặc trưng, đậm đà
“
Huyện Đắk Mil có 10.254ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Fair trade
UBND huyện Đắk Mil
Hướng tới thị trường cao cấp
Thời gian qua, huyện Đắk Mil đã tập trung triển khai kế hoạch thực hiện tái canh, ghép cải cà phê tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chương trình tái canh cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và đã được người dân đặc biệt quan tâm, chủ động thực hiện.
Cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống, nguồn vốn của Nhà nước và doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã giúp huyện tái canh, ghép cải tạo được 5.200ha cà phê.
Cà phê dây Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông)
“
Giống cà phê dây bản địa xã Thuận An đã tạo ra cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê, năng suất trung bình từ 5-6 tấn/ha.
UBND huyện Đắk Mil
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, người dân đã áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững cho cà phê.
Người dân đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng cà phê, thu hái cà phê chín trên 85% chiếm số lượng lớn. Điều này cho thấy nhiều sự chuyển mới trong sản xuất cà phê.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil (Đắk Nông)
“
Sản xuất cà phê tại huyện Đắk Mil cho thấy hướng phát triển phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là ở phân khúc thị trường cao cấp.
Hiện nay, trên 70% diện tích cà phê của huyện được tái canh, ghép cải tạo, trồng thay thế, trồng mới bằng các dòng cà phê vối chọn lọc cho năng suất cao, sản phẩm cấp hạt tốt như: TR4, TR9, TR11, TR12...
Thời gian qua, doanh nghiệp chế biến và các hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Mil đã chú trọng đầu tư công nghệ vào chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê nhân, cà phê bột.
Doanh nghiệp, HTX chế biến và các hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Mil trọng đầu tư công nghệ vào chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê nhân, cà phê bột
Đến nay, huyện Đắk Mil có 3 nhãn hiệu cà phê đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó có 2 nhãn hiệu thông thường của tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh
Đắk Mil có 6 sản phẩm cà phê được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao.
Từ năm 2021 huyện Đắk Mil đang triển khai phát triển đề án cà phê đặc sản tại 2 xã xã Thuận An, Đức Minh đến năm 2025 đạt 670ha và đến năm 2030 đạt 1.340ha.
Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Thuận An có 335ha với 1 HTX, 186 hộ nông dân tham gia sản xuất
“Chiến lược của huyện là nâng chất lượng sản phẩm cà phê Đắk Mil, hướng tới thị trường xuất khẩu. Hiện nay, cà phê đang được đầu tư sản xuất, chế biến nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm ngành hàng cà phê Đắk Mil trên thị trường”, ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil trao đổi.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.