Kinh tế

Đắk Mil - Vùng đất của những sản vật

Hưng Nguyên 06/03/2025 16:47

Đắk Mil từ lâu đã nổi danh với nhiều sản vật đặc nổi tiếng. Mỗi loại cây trái nơi đây đều có những hương vị đặc trưng, tạo nên sức hút đặc biệt.

Nhiều đặc sản nổi tiếng

Đắk Mil có thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu ôn hòa và nguồn nước dồi dào. Những lợi thế đó cùng với sự năng động của người dân đã biến vùng đất này trở thành vùng canh tác lý tưởng cho nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn quả.

Những sản vật nơi đây không chỉ góp phần làm phong phú đời sống người dân mà còn tạo nên thương hiệu riêng cho vùng đất biên giới này.

sauriengducmanh-2-(1).jpg
Sầu riêng Đức Mạnh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) nổi bật với chất lượng vượt trội, cơm dày, hạt lép, mùi thơm đặc trưng và vị ngọt béo đậm đà

Một trong những sản vật làm nên tên tuổi của huyện Đắk Mil chính là sầu riêng. Đắk Mil có hơn 1.700ha sầu riêng. Sầu riêng Đắk Mil nổi bật với chất lượng vượt trội, cơm dày, hạt lép, mùi thơm đặc trưng và vị ngọt béo đậm đà.

Đặc biệt, sầu riêng Ri6 và Monthong của Đắk Mil có vị ngọt bùi, béo, cơm màu vàng óng đặc trưng, khiến ai một lần thưởng thức đều khó quên.

Nhờ vào việc áp dụng công nghệ cao trong canh tác và bảo quản, sầu riêng Đắk Mil không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nông sản Việt Nam.

sr1.png
Sầu riêng Đắk Mil có hương vị đặc trưng nhờ thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây

Đắk Mil có hơn 1.700ha, sầu riêng Đắk Mil nổi bật với chất lượng vượt trội, cơm dày, hạt lép, mùi thơm đặc trưng và vị ngọt béo đậm đà.

UBND huyện Đắk Mil

Gia đình Trần Văn Huy, ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã trồng 400 cây sầu riêng giống Ri6 từ năm 2013 đến nay.

Anh Huy chia sẻ, sầu riêng Đắk Mil có hương vị đặc trưng nhờ thổ nhưỡng và khí hậu. Đất đỏ bazan giúp cây phát triển tốt, cho trái cơm vàng, dẻo, vị ngọt đậm đà.

Những năm gần đây, giá sầu riêng ổn định và có chiều hướng tăng nhờ thị trường xuất khẩu rộng mở. Dù vậy, để giữ vững thương hiệu và giá trị, tôi sản xuất theo quy trình sạch để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.

20191213_101315(1).jpg
Huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đang sản xuất 1.850ha xoài, chủ yếu trồng ở xã Đắk Gằn và một số vùng phụ cận.

Không chỉ nổi bật với sầu riêng, xoài Đắk Mil cũng là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện. Huyện đang sản xuất 1.850ha. Xoài chủ yếu trồng ở ở xã Đắk Gằn và một số vùng phụ cận.

Xoài Đắk Mil có đặc trưng riêng với lớp vỏ căng bóng, thịt quả dày, ít xơ và hương thơm tự nhiên. Xoài trồng ở Đắk Mil có độ ngọt thanh, trong đó, xoài Thái và xoài Đài Loan lại giòn, ngọt, rất phù hợp để xuất khẩu.

Nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi, xoài ở đây có độ ngọt cao, được thị trường ưa chuộng. Xoài Đắk Gằn đã cấp mã số vùng trồng và thúc đẩy xuất khẩu xoài đến các nước có nhu cầu tiêu thụ lớn.

Xoài Ðắk Gằn là một trong số những sản phẩm đầu tiên của Ðắk Nông được chào bán trên sàn thương mại điện tử.

Ông Hà Quang Đạo, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ xoài Đắk Gằn cho biết, xoài Đắk Gằn có vị ngọt thanh, thơm đặc trưng nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp.

dsc07642(1).jpg
Bưởi da xanh ruột hồng của trang trại Hải Nguyên đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao

Những năm gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm xoài của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao tạo cơ hội để xoài Đắk Gằn nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ giúp nông dân có thu nhập ổn định hơn.

Bơ cũng là một trong những loại cây trồng chủ lực tại Đắk Mil. Hiện nay, huyện có khoảng 850 ha bơ, với nhiều giống chất lượng cao như bơ 034, bơ Tứ Quý và đặc biệt là bơ Thành Bích – giống bơ được công nhận là "bơ đầu dòng" nhờ khả năng cho trái quanh năm.

Bơ Đắk Mil có vị béo, thịt vàng mịn, vỏ mỏng, độ béo ngậy đặc trưng. Việc áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch giúp bơ Đắk Mil nâng cao giá trị và sức cạnh tranh.

sr222(1).jpg
Đắk Mil chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sản phẩm trái cây

Bên cạnh sầu riêng, xoài và bơ, Đắk Mil còn có nhiều loại trái cây đặc sản khác như mít, bưởi da xanh và dưa lưới. Mít Thái được trồng khoảng 266ha, có chất lượng thơm ngon, cơm vàng óng, vị ngọt đậm, rất được thị trường ưa chuộng.

Trong khi đó, bưởi da xanh ruột hồng của trang trại Hải Nguyên đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, nổi bật với múi bưởi mọng nước, ngọt thanh, có độ giòn đặc trưng...

Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Huyện Đắk Mil có 5.093ha cây ăn quả các loại, với sản lượng 33.070 tấn/năm. Huyện Đắk Mil có Xoài Đắk Mil, Sầu riêng Đắk Mil được cấp giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu, bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ.

Huyện có 5 loại trái cây được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: bưởi da xanh ruột hồng của Trang trại Hải Nguyên; dưa lưới của trang trại Ông Tám; Bơ VietGAP Hồ Văn Hoan; sầu riêng tươi của HTX Sầu riêng VietGAP xã Đức Mạnh; xoài Đắk Gằn của HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ xoài Đắk Gằn.

Ngoài ra, giống bơ Thành Bích Đắk Mil đã được công nhận nhãn hiệu “Bơ đầu dòng” với ưu điểm là bơ sáp cho trái quanh năm, trái to trung bình từ 1 - 1,5kg.

caybocuaongthanh(1).jpg
Bơ Thành Bích được công nhận là "Bơ đầu dòng" nhờ khả năng cho trái quanh năm

Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil trao đổi, những năm qua cây ăn quả của huyện Đắk Mil đã đạt được những bước tiến quan trọng, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và bảo quản.

Cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và OCOP đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các thị trường xuất khẩu.

dji_0899(1).jpg
Vùng xoài Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho hơn 159ha, sản lượng 1.375tấn/vụ

Các sản phẩm sầu riêng, xoài, bơ, mít, bưởi da xanh... của Đắk Mil đang từng bước khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường. Cây ăn trái với những đặc trưng riêng về chất lượng, hương vị và quy trình canh tác hiện đại đã giúp các sản vật nơi đây vươn xa.

Huyện Đắk Mil đã và đang triển khai nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Huyện đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 5 vùng trồng trọt và 2 vùng chăn nuôi.

Huyện Đắk Mil tiếp tục đầu tư kỹ thuật canh tác, giống, công nghệ chế biến, bảo quản cho người dân, doanh nghiệp… để nâng cao chất lượng trái cây trước khi bán ra thị trường.

Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil

huyện Đắk Mil đang tiếp tục đầu tư về kỹ thuật canh tác, giống, công nghệ cho người dân… Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng công nghệ chế biến sâu, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế và đóng gói sản phẩm cũng như chế biến sản phẩm sấy khô và kho đông lạnh để bảo quản sản phẩm khi thu hoạch được lâu hơn trước khi xuất khẩu.

Trong vùng đã có các vựa lớn thu mua sản phẩm có nhà kho, sơ chế, đóng gói và xuất ngay sau khi thu hoạch.

"Thời gian tới, huyện Đắk Mil tiếp tục chú trọng xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản để sản phẩm đảm bảo uy tín và giá trị sản phẩm trên thị trường trong và xuất khẩu" - ông Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil trao đổi.

Đọc tiếp

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Đắk Mil - Vùng đất của những sản vật
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO