Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mới đạt 11%
Theo Huyện ủy Đắk Mil, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển NNƯDCNC.
Người dân cũng chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, người dân đã mạnh dạn thay thế những giống cũ năng suất, chất lượng kém bằng giống mới phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, năng suất cao.
Đắk Mil đã tái canh được gần 7.900 ha cà phê bằng các giống mới |
Ví dụ như đối với cây cà phê, người dân đã tiến hành tái canh gần 7.900 ha (đạt 102% so với kế hoạch năm 2020) với các giống mới. Năng suất cà phê sau tái canh cao hơn gần 1 tấn/ha.
Quy trình canh tác nông nghiệp tốt, có chứng nhận ngày càng được nhiều người dân áp dụng, nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đến nay, Đắk Mil đã có 13 sản phẩm nông sản đạt chứng nhận OCOP hạng từ 3-4 sao.
Lĩnh vực chăn nuôi của Đắk Mil ngày càng có sự chuyển dịch theo hướng quy mô lớn, khép kín, có liên kết, bao tiêu đầu ra. Người dân đã ứng dụng các quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nông dân Đắk Mil chú ý thu hái cà phê với tỷ lệ quả chín cao để nâng cao chất lượng |
Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp địa phương còn nhiều hạn chế. Hình thức canh tác còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa bền vững; tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản phẩm còn cao ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ cao chỉ ở một số khâu nhất định chưa có sự đồng bộ, chưa đạt quy trình khép kín, nhất là ở giai đoạn thu hoạch và bảo quản, chế biến.
Chính vì thế, giá trị sản phẩm NNƯDCNC mới ở mức thấp, khoảng 11% so với tổng giá trị toàn ngành, chưa tạo được sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều mục tiêu quan trọng
Huyện ủy Đắk Mil đề ra các mục tiêu cụ thể đối với ngành Nông nghiệp từ nay đến năm 2025. Trước hết, huyện lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực tập trung xây dựng để được công nhận 7 vùng sản xuất NNƯDCNC, trong đó 5 vùng trồng trọt và 2 vùng chăn nuôi.
Huyện thành lập thêm 1-2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực. Huyện kêu gọi 15 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất NNƯDCNC và liên kết theo chuỗi giá trị.
Đắk Mil quyết tâm xây dựng thương hiệu xoài Đắk Mil |
Huyện phấn đấu mỗi năm có thêm 3-4 sản phẩm OCOP. Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, huyện đưa ra chỉ tiêu có 3 sản phẩm chủ lực có truy xuất nguồn gốc và mã vùng trồng.
Hiện nay, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 125 để thực hiện Nghị quyết số 05. Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, huyện nêu cao tinh thần triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết 05 ngay từ năm đầu.
Việc thực hiện nghị quyết gắn với các nhiệm vụ, kế hoạch và có sự kiểm tra, đánh giá hằng năm. Huyện định hướng, kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào chế biến nông sản chủ lực.