Đắk Mil thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác với Campuchia
Huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông có chung đường biên giới với tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Từ sau ngày giải phóng, hai bên đã không ngừng củng cố tình đoàn kết, hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thúc đẩy hợp tác thương mại
Một trong những hoạt động nổi bật gần đây là việc huyện Đắk Mil tham gia Hội chợ Thương mại tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) – tỉnh Mondulkiri (Campuchia) năm 2024, diễn ra tại Quảng trường thành phố Senomorom, tỉnh Mondulkiri vào ngày 25/12/2024.

Tham dự hội chợ, đoàn công tác huyện Đắk Mil do ông Lê Văn Hoàng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo UBND huyện, các phòng ban chuyên môn và đại diện chính quyền hai xã biên giới Thuận An, Đắk Lao. Sự có mặt của đoàn thể hiện quyết tâm thúc đẩy giao thương, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Hội chợ quy tụ 60 gian hàng của khoảng 50 doanh nghiệp hai nước, trong đó gian hàng của huyện Đắk Mil trưng bày nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, quảng bá, giới thiệu thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội, du lịch và tiềm năng phát triển của huyện.
Cụ thể: Cà phê quả tươi, cà phê nhân xô, hạt rang, bột, ca cao quả tươi, ca cao hạt khô của Công ty Cà phê Đức Lập; cà phê bột, ca cao bột, sô cô la của Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Quê Đắk Nông (sản phẩm 3 sao); cà phê nhân xô các loại, cà phê bột và hạt đã rang của Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng; tiêu khô của HTX NNDVTM Nguyễn Công (sản phẩm 3 sao); cơm cháy siêu chà bông cơ sở sản xuất Gia Trang (sản phẩm 3 sao); hạt mắc ca cơ sở hạt mắc ca Bảo Trâm (sản phẩm 3 sao).
Việc tham gia hội chợ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil trong việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp địa phương phát triển. Đồng thời tạo ra cầu nối để doanh nghiệp hai bên Việt Nam – Campuchia tận dụng thế mạnh, tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết.
.jpg)
Xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp
Trong những năm qua, huyện Đắk Mil và huyện Pechr Chenda (tỉnh Mondulkiri, Campuchia) luôn duy trì và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, góp phần xây dựng một khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Dựa trên nguyên tắc “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, hai huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường sự gắn kết giữa chính quyền và Nhân dân hai bên biên giới.
Tại xã Thuận An – nơi có gần 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, công tác quản lý thăm thân được thực hiện chặt chẽ. Theo ông Trần Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã Thuận An, do đặc thù nhiều hộ dân có quan hệ thân tộc với cư dân Campuchia, việc đi lại thăm thân diễn ra thường xuyên. Để tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định, chính quyền đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý lưu trú.

Ngoài ra, Phân hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia xã Thuận An đã tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên chấp hành nghiêm các quy định về biên giới, bảo đảm không có hội viên vi phạm quy chế biên giới, không xảy ra tình trạng vượt biên trái phép hay bị xử lý do vi phạm.
Bên cạnh đó, Phân hội tham gia tích cực vào công tác bảo vệ biên giới với 4 hội viên được giao nhiệm vụ trong tổ tự quản mốc biên giới. Những hội viên này đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền về an ninh biên giới, đồng thời trực tiếp tham gia bảo vệ, gìn giữ cột mốc biên giới quốc gia. Phân hội đã tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, hội viên về tinh thần cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những phần tử xấu có ý định xâm nhập vào địa phương qua đường biên giới.
Theo ông Đoàn Dũng Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia huyện Đắk Mil, Hội cùng với lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương, đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền về quy chế biên giới, phổ biến pháp luật liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhờ đó, nhân dân hai bên biên giới không chỉ tuân thủ nghiêm túc các quy định mà còn chủ động tham gia vào công tác giữ gìn trật tự, an ninh khu vực biên giới. Riêng năm 2024, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia huyện Đắk Mil phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là 2 xã biên giới Thuận An và Đắk Lao tuyên truyền được 30 lượt với 1.236 lượt người tham gia.

Trên cơ sở đường lối đối ngoại được xác lập giữa hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia huyện Đắk Mil xác định, nhiệm kỳ 2022 – 2027 phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, các hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam trên địa bàn Đắk Mil – Pechr Chenda, theo định hướng quan hệ hữu nghị, hợp tác của huyện Đắk Mil. Cùng với tăng cường thiết lập quan hệ với các đối tác mới theo định hướng của UBND huyện, Hội tăng cường huy động sự tham gia của Cộng đồng người Việt tại huyện Pechr Chenda, các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư vào Pechr Chenda.
Nhân kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của nước bạn, Hội tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, kết nghĩa, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật nông lâm nghiệp cho huyện Pechr Chenda. Hội sẽ tổ chức các đoàn của Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia huyện Đắk Mil đi thăm các địa phương Campuchia bằng hình thức xã hội hóa hoặc vận động tài trợ.