Mấy ngày nay, gia đình chị Đinh Thị Thu Hà, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đứng ngồi không yên vì thiếu nhân công chế biến sầu riêng. Nhìn từng đống sầu riêng trong kho có nguy cơ hỏng, chị Hà đứng ngồi không yên.
Nhiều cơ sở gặp khó vì thiếu nhân công chế biến sầu riêng |
Thu mua sầu riêng nhiều năm, gia đình chị Hà đã xây dựng kho đông lạnh. Sau khi sơ chế, sầu riêng sẽ được đưa vào kho lạnh để bảo quản. Có kho lạnh, cơ sở chế biến sầu riêng của chị bảo quản được sản phẩm lâu hơn, tránh trường hợp bị ép giá khi vào chính vụ.
Hiện tại, sầu riêng truyền thống đã vào chính vụ. Mỗi ngày, cơ sở của chị Hà nhập khoảng 20 - 30 tấn quả. Giá thu mua trung bình khoảng 10.000 đồng/kg.
Thu mua số lượng lớn nhưng 2 kho của gia đình chị Hà chỉ thuê mỗi kho 10 người làm việc. Số nhân công này không đáp ứng được việc chế biến hàng ngày. Vậy nên, có rất nhiều quả sầu riêng chín rục, bị chua và hư hỏng.
Số lượng lớn sầu riêng có nguy cơ hư hỏng do không chế biến kịp |
Vào thời điểm này, 2 cơ sở chế biến của chị cần khoảng 50 nhân công lao động. Nhưng do tình hình dịch Covid-19 hiện nay, gia đình chị không thể thuê nhiều người làm việc.
Một số cơ sở chế biến sầu riêng tại Đắk Mil cũng rơi vào cảnh tương tự như gia đình chị Hà. Khó khăn nhất là ở những vùng, địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh Phạm Đức Toàn, trên địa bàn hiện có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua sầu riêng quy mô lớn. Trong đó, chỉ có 3 cơ sở chế biến sản phẩm sầu riêng có kho đông lạnh.
Hiện các doanh nghiệp, cơ sở thu mua sầu riêng đang gặp khó khăn trong chế biến, tìm đầu ra do sức tiêu thụ của các thị trường giảm mạnh. "Khó khăn lớn nhất của các cơ sở chế biến sầu riêng là về nhân công", ông Toàn cho biết.
Huyện Đắk Mil sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở tăng số nhân công nhưng phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng, địa bàn có khoảng 800 ha sầu riêng các loại. Hiện nay, các loại sầu riêng đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Trong đó, sầu riêng truyền thống đã bước vào giai đoạn chính vụ.
Ông Hoàng cho biết, cơ sở thu mua, chế biến sầu riêng nào có nhu cầu tăng thêm số lao động thì phải đăng ký với địa phương để kiểm tra, xét nghiệm Covid-19. Lao động có thể đến Trung tâm Y tế huyện để làm thủ tục lấy mẫu, test kết quả Covid-19.
Nếu số lao động lớn, huyện sẽ chỉ đạo cho nhân viên y tế xuống tận nơi để lấy mẫu, giúp cho doanh nghiệp không phải đi lại. "Quan điểm của địa phương là hỗ trợ người dân, nhưng phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch", ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Đắk Mil kiến nghị các sở, ban ngành của tỉnh có giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong đó, các đơn vị cần tạo “luồng xanh” vận tải để doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có thể tiếp cận, đưa nông sản đi tiêu thụ.