Lấy phát triển đô thị là động lực
Với quan điểm phát triển đô thị là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, cấp ủy, chính quyền đã tập trung vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và huy động sự chung sức, đồng lòng của toàn thể người dân.
Sau khi quy hoạch chung xây dựng đô thị Đắk Mil đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 661, ngày 31 tháng 5 năm 2012. Huyện cũng đã ban hành nhiều kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Các kế hoạch đã xác định mục tiêu cụ thể, từng nhiệm vụ chủ yếu và phân công cho các phòng, ban và các xã, thị trấn theo chức năng nhiệm vụ của mình thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra đồng thời lập các quy hoạch chi tiết để triển khai nhiệm vụ cụ thể. Thực hiện các quy định mới của Trung ương, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đô thị Đắk Mil để tổ chức thực hiện các tiêu chí đưa Đắk Mil thành thị xã trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính của huyện.
Quá trình xây dựng đô thị đến nay, huyện Đắk Mil đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế, xã hội. Cụ thể năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (theo giá 2010) giữ vững ở mức cao, đạt 8,72%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng thương mại - dịch vụ chiếm 41,48%; công nghiệp - xây dựng chiếm 21,5%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 37,02%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện được 2.093,04 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 170,1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63,28 triệu đồng/người. Xây dựng nông thôn mới phát triển thêm xã Đắk N’Drót đạt chuẩn nông thôn mới, xã Thuận An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện 73%; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường xã 80%. Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch 96,5%. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom xử lý 97,2%. Tỷ lệ số hộ được dùng điện 99%, 100% thôn, bon có điện lưới quốc gia.
Ngoài là vùng trọng điểm cây ăn trái của tỉnh, Đắk Mil đang đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến, bảo quản phục vụ xuất khẩu |
Các công trình hạ tầng, kiến trúc đô thị để cải thiện môi trường, cảnh quan và trật tự trên tinh thần huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng phát triển với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” được huyện chú trọng.
Hiện nay, nhiều công trình như: Trung tâm Thương mại Đắk Mil (ĐakMil Center), Trường dạy lái Đại Lợi; Trung tâm đăng kiểm; đảo nổi hồ Tây, Quảng trường Đắk Mil; khu hoa viên, dân cư mới giai đoạn I; hoa viên hồ Tây giai đoạn II; hệ thống thoát nước hồ Tây; Nghĩa trang huyện, các dự án đã được xây dựng. Bằng việc tranh thủ các nguồn vốn huyện đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; nhiều công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và kết nối hệ thống giao thông vận tải huyện, tạo diện mạo mới đô thị. Việc đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật bao gồm các công trình quảng trường, khu dân cư mới, cây xanh, điện chiếu sáng, các trục đường nội thị... đã tạo diện mạo mới cho đô thị Đắk Mil. Đồng thời, không gian đô thị ngày càng được mở rộng theo hướng tích cực, phù hợp với quy hoạch đô thị của huyện.
Với những cố gắng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, qua rà soát đánh giá, so với tiêu chuẩn thành lập thị xã đến nay Đắk Mil đã đạt nhiều tiêu chuẩn theo quy định.
Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Cùng với phát triển đô thị, Đắk Mil đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho nông sản của huyện.
Theo đó, phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, Đắk Mil đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với với công nghiệp chế biến và tạo ra sản phẩm xuất khẩu cho nông sản. Đến nay, trên địa bàn huyện đã cơ bản hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung, với sản phẩm chủ lực. Cụ thể, vùng sản xuất cà phê Thuận An, Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk Sắk. Vùng sản xuất cây ăn trái Đắk Gằn, Đắk R’la, Đắk N’Drót, Đức Mạnh. Vùng chăn nuôi Đắk Gằn, Đắk N’Drót, Đắk R’la, Đắk Sắk và Long Sơn.
Đô thị Đắk Mil đang được quy hoạch phát triển hài hòa |
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng giống ghép, giống lai có năng suất chất lượng tốt nên giá trị sản xuất đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha. Hiện nay, 85% các khâu như: làm đất, tưới nước, vận chuyển, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh được cơ giới hóa. Huyện đã đăng ký và được chứng nhận 3 nhãn hiệu nông sản tiêu biểu là xoài Đắk Mil, sầu riêng Đắk Mil, cà phê Đắk Mil. Trong chăn nuôi, huyện tập trung phát triển các mô hình trang trại tăng về số lượng và hiệu quả. Một số trang trại chăn nuôi lợn thịt, gà thịt liên kết với các công ty cổ phần chăn nuôi và một số mô hình chăn nuôi khác như dê, bò... có hiệu quả kinh tế cao.
Đi đôi với quy hoạch, Đắk Mil kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các loại trái cây, thức ăn gia súc để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản chủ lực. Việc liên kết "4 nhà" đã được quan tâm chú trọng để khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Những kết quả đạt được trong các khâu đột phá năm 2021 sẽ tạo đà phát triển cho năm 2022, năm bản lề kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.