Pháp luật

Đắk Mil - Nơi không có phá rừng

Lê Phước 28/02/2023 09:31

Công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) ở Đắk Mil ngày càng được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Suốt thời gian dài, Đắk Mil không để xảy ra các hành vi vi phạm lâm luật.

Những ngày cuối tháng 2, thời tiết trở nên khó chịu hơn. Những đợt nắng nóng kèm theo gió khiến cho những cánh rừng khộp tại xã biên giới Đắk Lao (Đắk Mil), thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành (Công ty Đại Thành) khô ráp hơn.

Phân trường 2 của Công ty Đại Thành có 6 thành viên, quản lý 4 tiểu khu. Trong đó, một số tiểu khu có đường quốc lộ 14C (QL14C) đi qua.

anh-1-rung-dai-thanh-1-.jpg
Rừng của Công ty Đại Thành quản lý chủ yếu là rừng khộp, có QL14C đi qua

Hằng ngày, anh Hoàng Văn Hòa, Phó Phân trường 2 cùng anh em trong phân trường triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát lâm phần quản lý. Phân trường cắt cử lực lượng tuần tra, kiểm tra những địa bàn trọng yếu, những nơi có đông người, phương tiện qua lại.

Theo anh Hòa, phân trường chia địa bàn cụ thể và giao trách nhiệm cho từng nhân viên quản lý, bảo vệ rừng. Hằng ngày, các nhân viên đi xe máy đến địa bàn mình quản lý rồi tự tuần tra bằng đường bộ.

"Khi phát hiện được vấn đề gì thì báo tin cho nhau. Mỗi tuần trực liên tục 6 ngày, được nghỉ 1 ngày. Ai cũng động viên nhau cố gắng làm tốt việc của mình", anh Hòa tâm sự.

Công ty Đại Thành được giao quản lý hơn 18.200ha rừng và đất rừng. Trong đó, đất có rừng hơn 17.200ha và 100ha rừng trồng. Toàn bộ diện tích rừng của Công ty Đại Thành quản lý nằm trên địa giới hành chính xã biên giới Đắk Lao.

Thời gian qua, công tác QLBVR luôn được Công ty Đại Thành quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật đến người dân. Ý thức của người dân gần rừng đã có nhiều thay đổi. Phần lớn, người dân không có ý định khai thác, lấn chiếm rừng.

anh-2-kiem-tra-rung.jpg
Công ty Đại Thành thường xuyên kiểm tra các khu vực, địa bàn trọng yếu

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty Đại Thành, đơn vị đã giao trách nhiệm QLBVR đến từng phân trường, từng cá nhân cụ thể. Nhìn chung, lực lượng QLBVR của đơn vị đáp ứng được yêu cầu hiện tại của đơn vị.

Một điểm thuận lợi nữa là sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như kiểm lâm, biên phòng, công an… Do vậy, nhiều cánh rừng của Công ty Đại Thành nằm dọc QL 14C song được kiểm soát rất hiệu quả.

“Từ năm 2022 tới nay, trên địa bàn chúng tôi quản lý không xảy ra vi phạm lâm luật. Điều này góp phần trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Đắk Mil”, ông Bình cho hay.

anh-3-tuan-tra-1-.jpg
Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, chủ động phát hiện các nguy cơ với rừng

Đắk Mil là địa bàn rộng, có đường biên giới với Campuchia dài (trên 60km). Trên địa bàn có một bộ phận nhỏ người dân gần rừng có đời sống khó khăn, thiếu đất sản xuất. Nhu cầu về gỗ xây dựng, mộc dân dụng có xu hướng ngày càng gia tăng. Áp lực trong công tác QLBVR là không nhỏ.

Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Đắk Mil đã chủ động triển khai các kế hoạch của cấp trên về QLBVR cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trong đó, Hạt đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.

Trong năm 2022, Hạt Kiểm lâm Đắk Mil đã tổ chức tuyên truyền trên 820 lần trên truyền thanh các xã, thị trấn. Hạt phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy tuyên truyền lưu động 1 lần. Hạt cùng Công ty Đại Thành tổ chức 3 buổi họp dân với 112 lượt người tham gia…

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đắk Mil Trần Văn Linh, các diện tích rừng giáp với nương rẫy của người dân là những khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng. Hạt Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng và cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, bám sát thực tế. Công tác QLBVR được triển khai rất chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống.

“Nhờ sự hỗ trợ của các cấp và sự nỗ lực của các đơn vị chủ rừng, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Đắk Mil không xảy ra phá rừng, lấn chiếm rừng”, ông Linh cho hay.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Mil - Nơi không có phá rừng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO