Đời sống

Đắk Mil đẩy mạnh tái canh, nâng cao năng suất cà phê

Mỹ Hằng- Hoàng Hoài 30/08/2023 04:56

Huyện Đắk Mil đã và đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp tái canh cà phê bền vững, góp phần nâng cao năng suất, thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân.

Canh tác cà phê đã vài chục năm, nhưng khi quyết định tái canh cà phê, ông Nguyễn Công Vỹ, thôn Thuận Hòa, xã Thuận An (Đắk Mil) rất đắn đo. Sau khi tìm hiểu kĩ thuật, nắm bắt quy trình, ông Vỹ bắt đầu thực hiện tái canh cà phê theo hình thức cuốn chiếu. Vài năm đầu, gia đình ông trồng xen các loại cây ngắn ngày để bảo đảm thu nhập. Hiện nay, gia đình ông có hơn 2 ngàn cây cà phê được tái canh, phát triển rất xanh tốt, đạt năng suất, chất lượng.

Ông Vỹ cho biết: “Quá trình tái canh cà phê, cải tạo đất là khâu cực kỳ quan trọng. Bởi đất canh tác lâu năm đã cằn cỗi, thiếu chất dinh dưỡng, nấm bệnh nhiều, nên gia đình phải mất 1-2 năm để cải tạo đất.

Cũng theo ông Vỹ, sau khi năng suất cà phê vối không đạt hiệu quả, qua vận động của chính quyền, không riêng ông mà nhiều người dân thôn Thuận Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi giống mới để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng.

hinh1-2-1-.jpg
Hầu hết các giống cà phê được chọn đều được Bộ NN & PTNT công nhận, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như TR4, TR9, TRS1, cà phê dây.

Được công nhận là vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với diện tích 335 ha, xã Thuận An đã và đang tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế từ cây cà phê. Tái canh cà phê là chương trình được địa phương xác định là đòn bẩy để gia tăng giá trị thương hiệu cà phê Thuận An.

Hầu hết các giống cà phê được chọn đều được Bộ NN & PTNT công nhận, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như TR4, TR9, TRS1, cà phê dây. Đến nay, người dân địa phương đã chủ động tái canh và ghép cải tạo được gần 3000 ha cà phê. Với kinh nghiệm và quy trình tái canh khoa học, đúng kĩ thuật nên năng suất của các vườn cà phê được tái canh đạt trung bình 4 - 6 tấn/ha.

Ông Lê Xuân Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết: “Địa phương đã định hướng cho người dân tái canh và chọn các loại giống cho năng suất cao, được chứng nhận, nhất là cà phê dây. Vì đặc trưng của cà phê dây là sinh trưởng tốt, khả năng chịu hạn và chống lại các mầm sâu bệnh cao, sản lượng lớn, giảm công lao động chăm sóc cho người lao động”.

Không riêng xã Thuận An, việc tái canh, cải tạo cây cà phê được triển khai đồng bộ tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đắk Mil. Quá trình thực hiện, các cấp, ngành tập trung tuyên truyền cho bà con sử dụng những giống cà phê có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Qua kiểm tra thực tế cho thấy vườn cây sinh trưởng và phát triển tương đối tốt chiếm tỷ lệ 80 – 85%.

Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 – 2025, huyện Đắk Mil đặt mục tiêu tái canh 4.715 ha, ghép cải tạo 375 ha. Từ năm 2021 đến nay, huyện Đắk Mil đã tái canh được trên 1.880 ha. Riêng năm 2023, dự kiến sẽ tái canh trên 1.011 ha, trong đó trồng tái canh 940 ha và ghép cải tạo 71 ha".

Hiện nay, toàn huyện Đắk Mil có khoảng 22 cơ sở gieo ươm sản xuất cây giống cà phê với quy mô khoảng 60.000 cây giống/cơ sở/năm. Dự kiến năm 2023, các cơ sở này sẽ gieo ươm khoảng 1.400.000 cây giống bảo đảm số lượng và chất lượng cung ứng cho người dân trên địa bàn huyện trồng tái canh. Đối với chồi ghép, hiện có 4 vườn nhân chồi, khả năng đáp ứng khoảng 60.000 chồi ghép/vườn/năm. Ngoài ra, người dân còn chủ động lựa chọn chồi ghép trong những vườn cà phê có chất lượng tốt nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu ghép cải tạo của người dân.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Mil đẩy mạnh tái canh, nâng cao năng suất cà phê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO