Đắk Mil đã làm mới trên 70% diện tích cà phê
Đắk Mil (Đắk Nông) đang tập trung nhiều giải pháp phát triển cà phê chất lượng cao, đặc sản, trong đó huyện đã tái canh trên 70% diện tích cà phê.
Hiện nay, trên 70% diện tích cà phê của huyện Đắk Mil được tái canh, ghép cải tạo, trồng thay thế, trồng mới bằng các dòng cà phê vối chọn lọc cho năng suất cao, sản phẩm cấp hạt tốt như: TR4, TR9, TR11, TR12, TRS... Đặc biệt, giống cà phê dây bản địa của xã Thuận An (Đắk Mil) được Bộ NN-PTNT cho phép lưu hành đặc cách. Đây là bước tiến mới trong phát triển giống của địa phương, tạo ra cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao năng suất, chất lượng.
Trên địa bàn hiện có 57 doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua, sơ chế cà phê nhân và 17 cơ sở rang xay chế biến cà phê, với tổng công suất khoảng 1,5 tấn/ngày. Huyện đang có 3 HTX kết nối với 1.220 nông hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn: VietGAP, UTZ, 4C, FairTrade… với tổng diện tích 1.503 ha. Nhờ đó, năng suất cà phê tăng 15%; thu nhập trung bình của nông dân trong mô hình tăng 14%; tiết kiệm được 40% lượng nước tưới…
Đến nay, Đắk Mil có 3 nhãn hiệu cà phê đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; trong đó, có 2 nhãn hiệu thông thường của tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê (cà phê Hoàng Gia Phú, cà phê bột Đắk Đam) và 1 nhãn hiệu chứng nhận tập thể (Cà phê Đắk Mil).
UBND tỉnh công nhận 3 sản phẩm cà phê đạt sản phẩm OCOP; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao. Huyện đã hỗ trợ sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An lên sàn thương mại điện tử.
Theo Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Đắk Nông được phát triển cà phê đặc sản tại xã Thuận An, Đức Minh (Đắk Mil), với tổng diện tích đến năm 2025 là 670 ha.
Một số tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến theo hướng cà phê đặc sản đã đưa sản phẩm tham gia Cuộc thi cà phê đặc sản VietNam Amazing Cup. Trong đó, có 2 sản phẩm Robusta được công nhận cà phê đặc sản. Đó là sản phẩm cà phê Robusta của Farm Hồ Văn Hoan và sản phẩm cà phê Robusta của Công ty TNHH TM DV Tài Đức (đều ở thị trấn Đắk Mil).
Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Phan Bá Tịnh cho biết, để nâng cao giá trị liên kết chuỗi và sản phẩm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất nông sản.
Trong đó, huyện tập trung nâng cao nhận thức của các nông hộ sản xuất gắn liền với lợi ích kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời, huyện hướng dẫn nông hộ áp dụng kỹ thuật, quy trình sản xuất cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C, Rainforest Allan và các chứng chỉ khác...
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu sản xuất hàng nông sản chủ lực của huyện được đẩy mạnh đến từng hộ, từng lô, thửa đất, giống cây trồng, độ tuổi. Trong đó, huyện chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác. Từ đó, đáp ứng về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp.
Đắk Mil hiện có hơn 21.200 ha cà phê, chiếm 62% tổng diện tích cây lâu năm của huyện và chiếm 15,4% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh. Sản lượng cà phê hàng năm của huyện đạt trên 47.750 tấn.