Kinh tế

Đắk Mil chú trọng phát triển kinh tế trang trại 

Hưng Nguyên 14/03/2023 05:57

Những năm gần đây, kinh tế trang trại đang trở thành xu hướng ở Đắk Mil. Mô hình này sử dụng hiệu quả nguồn lợi về đất đai, nâng cao giá trị nông sản, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. 

ADQuảng cáo
dsc09541(1).jpg
Trang trại của anh Độ tiên phong sản xuất nho ở Đắk Nông

Trang trại ông Tám ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil) có diện tích hơn 14,6 ha. Ngoài các loại cây ăn trái theo mùa, ông Tám còn trồng điều, cây rừng và hơn 7.000m2 nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trang trại đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. 

Hiện nay, trang trại có nhiều nguồn thu nhập. Tính riêng dưa lưới với hơn 4.000m2 nhà màng, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, được khoảng 20 tấn. Dưa lưới của trang trại đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trang trại còn có vườn nho 3.000 m2. Không chỉ cho thu nhập cao, vườn nho còn là mô hình được nhiều người đến học hỏi, trải nghiệm.

Anh Nguyễn Thế Độ chủ trang trại ông Tám cho biết, trang trại ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Sản phẩm nông nghiệp tạo ra từng bước khẳng định được chất lượng. Hơn nữa, mô hình này hình thành vùng nguyên liệu, tạo ra nhiều sản phẩm, từ đó việc kết nối giữa người thu mua và người tiêu dùng cũng dễ dàng hơn.

ADQuảng cáo
dsc09598(1).jpg
Trang trại của anh Độ trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng

Ngoài cây trồng, trên địa bàn huyện Đắk Mil còn có nhiều trang trại chăn nuôi. Đơn cử, trang trại nuôi gà của ông Hoàng Tiến Dũng, ở xã Long Sơn (Đắk Mil). Năm 2020, ông Dũng đã đầu tư xây dựng 2 trang trại, quy mô khoảng 32.000 – 34.000 con/lứa nuôi. Mỗi năm, ông Dũng nuôi được 2 lứa, lợi nhuận mang lại gần 1 tỷ đồng.

Ông Dũng chia sẻ: "Lợi thế của việc chăn nuôi trang trại là được hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Khi bán, đơn vị thu mua sẽ đến tận trại để bắt và vận chuyển đi tiêu thụ. Việc sản xuất theo quy mô trang trại giúp tôi yên tâm đầu tư sản xuất, trở thành bạn hàng tin cậy của các đối tác".

Huyện Đắk Mil có khoảng 215 trang trại trồng trọt và chăn nuôi hoạt động có hiệu quả. Những năm qua, huyện Đắk Mil luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích các chủ trang trại thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những vật nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất. Các ngành chức năng vận động, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy, áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất.

Theo lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, huyện khuyến khích người dân tập trung phát triển các mô hình trang trại áp dụng hình thức sản xuất tiên tiến, ưu tiên phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi nằm trong nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực để nhân rộng, phát triển tại các trang trại. Huyện đang làm cầu nối với các đơn vị thu mua xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng thương hiệu nông sản và thị trường tiêu thụ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil chú trọng phát triển kinh tế trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO