Đắk Lắk: Về cơ sở vận động người dân vùng sâu tham gia học nghề

PV| 02/10/2024 14:18

Cán bộ ở huyện Krông Năng đã đi xuống cơ sở, về tận thôn, buôn... để gõ cửa vận động người lao động tham gia học nghề, phát triển kinh tế.

Về cơ sở vận động người dân vùng sâu tham gia học nghề
Nhờ tham gia học nghề, không ít người lao động thất nghiệp ở Đắk Lắk đã sớm có việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững. Ảnh: Bảo Trung

Gõ cửa vận động người lao động học nghề

Bà Phan Thị Khuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tóh, huyện Krông Năng cho biết: "Thời gian qua, UBND xã đã triển khai nhiều cách thức khác nhau để giúp người lao động thất nghiệp trên địa bàn có công ăn, việc làm ổn định. Từ đó, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững".

Theo bà Khuyên, cách làm của địa phương là cử cán bộ đi xuống cơ sở, về tận thôn, buôn, gõ cửa người dân đồng bào dân tộc thiểu số chưa có công việc ổn định để vận động họ tham gia học nghề.

"Đối với những ai chưa hiểu rõ mục đích của việc đào tạo nghề, chúng tôi kiên trì, vận động nhiều lần để thay đổi nhận thức của họ" - bà Khuyên cho biết thêm.

Theo bà Khuyên trên thực tế, việc vận động, khuyến khích bà con đi học nghề không phải là việc đơn giản. Họ cho rằng khi đi học nghề thì sẽ tốn tiền, tốn thời gian và chưa chắc đã có việc.

"Xã đã phối hợp với ngành chức năng đào tạo các nhóm nghề như may mặc, xây dựng, chăn nuôi, trồng trọt... Những nhóm nghề này sau khi học nghề người dân có thể áp dụng ngày vào việc phát triển kinh tế gia đình và cũng có doanh nghiệp trên địa bàn huyện tuyển dụng, làm việc với mức lương ổn định" - bà Khuyên khẳng định.

Đơn cử như anh Triệu Việt Tuế (người dân tộc Tày, ở huyện Krông Năng) đã tham gia học lớp trồng và chăm sóc cây nông nghiệp do UBND xã và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng phối hợp tổ chức.

Sau khi học hết khóa đào tạo, với diện tích đất nông nghiệp đang có, anh Tuế đã cải tạo đất đai, phát triển các loại nông sản.

"Quá trình làm nông nghiệp, dù gặp không ít khó nhọc nhưng dựa vào vốn sống, kiến thức đã được học nên tôi đã gặt hái thành công bước đầu. Vườn cà phê xen canh với các loại cây trồng khác đã cho kết quả tốt, với nguồn thu ổn định, cuộc sống của gia đình nhờ đó cũng đỡ vất vả hơn" - anh Tuế khẳng định.

Lao động nữ ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng) tự liên kết tạo việc làm sau khi học nghề may tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Ảnh: Nguyễn Xuân
Lao động nữ ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng) tự liên kết tạo việc làm sau khi học nghề may tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Ảnh: Nguyễn Xuân

Góp phần hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng, từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 8.2024, đơn vị đã mở 14 lớp dạy nghề ở các địa phương cho gần 500 học viên.

Phần lớn người dân tham gia học nghề là người đồng bào dân tộc thiểu số, người có ít kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh doanh...

Điều đáng phấn khởi là 100% học viên sau khi học đều có việc làm, hoặc tự tạo việc làm, gia tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình.

Cũng theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng, từ đây đến cuối năm 2024, đơn vị sẽ tập trung đi sâu vào việc đào tạo nghề nông nghiệp để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Mục tiêu của đơn vị là giúp người lao động địa phương trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn.

"Để có kết quả thực chất, quá trình triển khai các lớp đào tạo nghề, đơn vị sẽ kiểm tra giám sát việc giảng dạy và học tập thường xuyên và liên tục" - ông Nông Đức Nam - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng chia sẻ.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/ve-co-so-van-dong-nguoi-dan-vung-sau-tham-gia-hoc-nghe-1402317.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/xa-hoi/ve-co-so-van-dong-nguoi-dan-vung-sau-tham-gia-hoc-nghe-1402317.ldo

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Lắk: Về cơ sở vận động người dân vùng sâu tham gia học nghề
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO