Trong hai ngày 5 và 6/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa 10 nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 9 để xem xét, đánh giá và quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm, chiều 6/11 kỳ họp đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và thông qua 11 nghị quyết quy phạm pháp luật, 19 nghị quyết cá biệt và quyết nghị nhiều nội dung khác với tỷ lệ tán thành cao.
Cụ thể, Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2025; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về dự toán và phân bổ dự toán ngân sách năm 2025 của tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết ban hành quy định về thẩm quyền quyết định việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết ban hành quy định nội dung và mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết về việc giải thể thôn 9, thôn 10, thôn 11 thuộc xã Cư San, huyện M’Drắk; thành lập thôn Tân Thành thuộc xã Cư Bông, huyện Ea Kar và thôn 10 thuộc xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết quyết định dừng chủ trương đầu tư ba dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Các Nghị quyết về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2025.
Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương. Nghị quyết quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết thông qua cơ chế thu và sử dụng mức thu dịch vụ tuyển sinh trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ năm học 2025-2026.
Trong các Nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk thông qua lần này thì Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Đất đai số 31/2024/QH15, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Theo đó, nghị quyết quy định đối tượng áp dụng là thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sinh hoạt cộng đồng; cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các trường hợp sau: không có đất ở, đất nông nghiệp hoặc thiếu đất ở, đất nông nghiệp so với hạn mức giao đất theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nguyên tắc hỗ trợ, việc xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc bố trí quỹ đất sinh hoạt cộng đồng, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất căn cứ vào tình hình thực tế, quỹ đất của từng địa phương, phù hợp quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; phù hợp phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Việc hỗ trợ đất ở và đất nông nghiệp được thực hiện theo hạn mức do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sinh hoạt cộng đồng được Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí đất sinh hoạt cộng đồng không quá 1.500m2/cộng đồng.
Hỗ trợ đất ở cho cá nhân không có đất ở thì được giao đất ở hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật sang đất ở trong hạn mức giao đất ở được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở.
Cá nhân đã được nhà nước giao đất ở nhưng nay không còn đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh thì được hỗ trợ đất ở theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai và điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Hỗ trợ đất nông nghiệp cho cá nhân không có đất nông nghiệp thì được giao đất nông nghiệp trong hạn mức được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định và không thu tiền sử dụng đất. Cá nhân đã được nhà nước giao đất nông nghiệp nhưng nay không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh thì được hỗ trợ đất nông nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai và điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP và không thu tiền sử dụng đất.
Hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh: Trường hợp địa phương không có quỹ đất nông nghiệp mà cá nhân có nhu cầu và thuộc đối tượng không có đất nông nghiệp, không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp thì được cho thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật đất đai và miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê khi hỗ trợ lần đầu theo khoản 2 Điều 16 Luật Đất đai; giảm 50% tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê đối với đối tượng thuộc khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai.
Kinh phí và quỹ đất để thực hiện theo quy định của pháp luật. Hằng năm, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động bố trí kinh phí trong cân đối ngân sách theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định kinh phí thực hiện chính sách này theo quy định pháp luật.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương. Theo đó, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2025 tỉnh Đắk Lắk là hơn 3.960 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương cân đối vốn đầu tư phát triển trong nước hơn 963 tỷ đồng và nguồn thu tiền sử dụng đất dự kiến 2.740 tỷ đồng…
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm thực hiện vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2025 mà Hội đồng nhân dân tỉnh đã biểu quyết thông qua. Sắp xếp, hoàn thiện bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Sớm cụ thể hóa, tập trung nguồn lực để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua tại các kỳ họp; khẩn trương hướng dẫn việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp này.
Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các ngành, các cấp ưu tiên nguồn lực, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; đồng bào dân tộc thiểu số; động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2025 và giai đoạn 2021-2025…