Đắk Lắk phát triển đội ngũ doanh nhân đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

14/02/2024 20:46

Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa ban hành Chương trình số 46-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Đắk Lắk phát triển đội ngũ doanh nhân đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ảnh 1

Chuỗi liên kết sản xuất rau công nghệ cao tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tỉnh Đắk Lắk đưa ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh ngày một lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Mục tiêu đến năm 2030, đội ngũ doanh nhân của tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tầm nhìn đến năm 2045, đội ngũ doanh nhân của tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu phát triển của địa phương và đất nước, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế. Tỉnh phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp có thương hiệu của Việt Nam, khu vực và thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu…

Gần 1.000 doanh nghiệp thành lập mới ở Gia Lai

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, năm 2023, toàn tỉnh có 970 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5,6% so với năm 2022, với tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 9.850 tỷ đồng, tăng 8,5%.

Ngoài ra, có 302 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,5% so với năm 2022. Riêng trong tháng 1/2024, toàn tỉnh có 100 doanh nghiệp và 30 đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng vốn đăng ký 950 tỷ đồng, đạt 9,52% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với triển vọng sản xuất, kinh doanh được củng cố, đồng thời cũng phần nào phản ánh được hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Trung ương đến địa phương như:

Giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; hỗ trợ tìm kiếm, kết nối mở rộng thị trường...

Đắk Nông cấp gần 318 nghìn kg gạo cho nhân dân

Tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận 317.850 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Sau khi tiếp nhận, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã giao chỉ tiêu về số lượng và hướng dẫn cấp phát gạo hỗ trợ nhân dân cho các địa phương.

Tại các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Glong, việc cấp phát gạo cho nhân dân hoàn thành vào ngày 5/2; các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk R’lấp thực hiện vào ngày 6/2. Việc cấp phát gạo cho nhân dân đã hoàn thành trước ngày 8/2.

Kon Tum đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công

Nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị khác tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án. Đặc biệt là công trình hạ tầng giao thông, thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thi công “3 ca, 4 kíp”…

Cùng với đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cần nâng cao chất lượng công trình trong từng khâu, từng công đoạn; nỗ lực, đổi mới, sáng tạo ngay từ khâu ý tưởng thiết kế để công trình, dự án không những có chất lượng tốt nhất mà còn thể hiện được nét, dấu ấn văn hóa đặc sắc, các giá trị lịch sử.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật; tháo gỡ vướng mắc liên quan khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng…

Hơn 110 tỷ đồng hỗ trợ liên kết sản xuất tại Lâm Đồng

Đắk Lắk phát triển đội ngũ doanh nhân đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ảnh 1

Chuỗi liên kết sản xuất rau công nghệ cao tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến năm 2023, toàn tỉnh có 124 dự án, kế hoạch hỗ trợ liên kết được phê duyệt, với tổng kinh phí hỗ trợ được phê duyệt hơn 110,9 tỷ đồng.

Trong đó, có 45 dự án, kế hoạch chuỗi liên kết cấp tỉnh và 79 dự án, kế hoạch chuỗi liên kết cấp huyện.

Riêng năm 2023, tổng nguồn vốn đã phê duyệt để hỗ trợ các chuỗi liên kết hơn 30,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 25,8 tỷ đồng, bao gồm vốn năm 2022 chuyển sang và 5 tỷ đồng ngân sách tỉnh từ nguồn vốn đề án liên kết.

Theo tính toán, tổng kinh phí giải ngân đến hết ngày 31/1/2024, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo các đơn vị báo cáo đạt 23,1 tỷ đồng.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dak-lak-phat-trien-doi-ngu-doanh-nhan-dap-ung-muc-tieu-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-post796193.html
Copy Link
https://nhandan.vn/dak-lak-phat-trien-doi-ngu-doanh-nhan-dap-ung-muc-tieu-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-post796193.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Lắk phát triển đội ngũ doanh nhân đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO