Các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông đã xảy ra ngập lụt cục bộ ở nhiều nơi khiến một nhà dân bị sập (tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk); 12 nhà dân bị tốc mái; hơn 100 nhà dân bị ngập nước, trong đó có 4 căn nhà tại xã Ea Rốk, huyện Ea Súp do nước dâng cao. Chính quyền địa phương phải di đời người dân đến nơi an toàn. Hiện nước đã rút, các hộ dân đã trở lại sinh hoạt bình thường.
Toàn tỉnh có 7.566 ha cây trồng các loại bị ngập; trong đó 6.378 ha lúa, 1.076 ha ngô và hoa màu các loại, 112 ha cây lâu năm. Hơn 700 con gia cầm bị cuốn trôi và một số diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập nước; hơn 16 km kênh mương bị hư hỏng (theo thống kê chưa đầy đủ do một số khu vực còn bị ngập). Đặc biệt, một số vị trí trên tuyến kênh của hồ chứa nước Ea Súp thượng bị vỡ (tại các vị trí này, đơn vị quản lý đang thực hiện khắc phục tạm thời để phục vụ sản xuất) và một số công trình thủy lợi khác bị hư hỏng, xói lở nghiêm trọng.
Địa phương có gần 7 km đường giao thông bị ngập nước và hư hỏng, sạt lở. Quốc lộ 14C (đoạn qua huyện Ea Súp) bị ngập sâu nhiều ngày. Hiện nước đã rút, tuy nhiên chưa đánh giá được mức độ hư hỏng. Quốc lộ 14 (tuyến đường tránh trung tâm thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H”leo) bị sạt lở mái taluy âm dẫn đến sụt lún nền đường từ 10 - 15 cm với chiều dài khoảng 35 m.
Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị, chính quyền các địa phương tổ chức thống kê thiệt hại và làm các hồ sơ, thủ tục theo quy định nhằm hỗ trợ nhân dân sớm khôi phục sản xuất; đồng thời, hỗ trợ khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do mưa lũ gây ra đảm bảo an toàn, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của bà con. Căn cứ vào các quy định, tỉnh kiến nghị Trung ương bố trí kinh phí, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả của thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.