Trong hai ngày 24 và 25/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024 với chủ đề: “Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
Dự đại hội có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Y Thông Niê, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh cùng 250 đại biểu đại diện cho 49 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có dân số hơn hai triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 34,37% dân số toàn tỉnh, cư trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có hai huyện nghèo là huyện Ea Súp và M’Drắk; 130 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 xã khu vực III, năm xã khu vực II, 71 xã khu vực I; 454 thôn đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 46.091 hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 31.229 hộ, chiếm tỷ lệ 67,7%; tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 34.230, trong đó số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 18.957 hộ, chiếm tỷ lệ 55,4%.
Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ III, năm 2019, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng; đa số các mục tiêu đề ra đến nay đều đạt và vượt kế hoạch. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và sự đoàn kết các dân tộc trong tình hình mới được nâng lên.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về công tác dân tộc có nhiều chuyển biến; nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.
Các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng được đầu tư thực hiện đồng bộ, có trọng điểm; hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước và các công trình phúc lợi như: trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng... được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.
Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều tiến bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng dân tộc thiểu số được nâng lên; truyền thống đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau được gìn giữ, phát huy; thực hiện tốt hương ước, quy ước ở các khu dân cư; xóa bỏ dần những tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nổi bật là trong giai đoạn 2021-2024, đã tích hợp chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Trong đó, ngân sách Nhà nước đã bố trí hơn 130,3 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở cho 83 hộ, nhà ở cho 1.983 hộ, đất sản xuất 342 hộ. Đến nay đã giải ngân hơn 23 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 523 hộ và hỗ trợ đất ở cho bốn hộ.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện 16 dự án ổn định, sắp xếp dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tám huyện với kinh phí hơn 705 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho khoảng 2.200 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 7.300 hộ với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay, các huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 1.788 hộ nghèo và hộ cận nghèo, trong đó xây mới 1.090 nhà và sửa chữa 698 nhà.
Thực hiện chính sách tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 667 tỷ đồng; trong đó dư nợ các chương trình cho vay đối với dân tộc thiểu số hơn 2.630 tỷ đồng với hơn 75.000 hộ còn dư nợ.
Trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng 215 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần nâng tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến hết năm 2023 là 126.611/134.371 hộ, đạt 94,23%. Trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch đạt 16,24%, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 77,99%...
Ngoài ra, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch vùng dân tộc thiểu số; phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; xây dựng hệ thống chính trị và quốc phòng-an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Đặc biệt, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp về công tác tạo nguồn, quy hoạch, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số nên đã tạo được sự chuyển biến quan trọng trong công tác cán bộ của tỉnh, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có sự chuyển biến theo hướng tích cực, nhất là về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị…
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ đã tạo nên diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm dần qua các năm. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường...
Đại hội cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế như: Kết cấu hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đồng bộ; kinh tế phát triển giữa các vùng chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; việc hỗ trợ nguồn vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gặp nhiều khó khăn; an ninh trật tự còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp...
Đại hội đã thống nhất đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024-2029: phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5-2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3-4%/năm, đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; trên 68% lao động đến tuổi có việc làm được đào tạo; nhựa hóa, bê-tông hóa 98% các tuyến đường tỉnh, 97% các tuyến đường huyện, 75% các tuyến đường xã và liên xã; 97,8% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông Niê ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua.
Đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua trên mọi lĩnh vực, không ngừng phát huy tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước phát triển mạnh về kinh tế, đậm đà về bản sắc văn hóa, vững về quốc phòng-an ninh, trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung khẳng định: Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương của Đảng trong công tác dân tộc; đẩy mạnh việc cụ thể hóa, triển khai đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Đồng thời, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến gắn với việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người uy tín, người có ảnh hưởng trong đồng bào dân tộc thiểu số...
Các đại biểu đã thống nhất thông qua Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV, năm 2024.
Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho bốn cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen cho một tập thể và bốn cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 27 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2024.