Đắk Lắk: Cồng chiêng được trả về với cộng đồng

Đình Đối| 10/09/2024 10:26

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III năm 2024 vừa diễn ra tại buôn Akô Dhông và Khu du lịch văn hóa, cộng đồng Kô Tam - TP. Buôn Ma Thuột với sự tham dự của 13 đoàn nghệ nhân/diễn viên đến từ các huyện, thị xã và thành phố đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người thưởng thức.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Nghệ sĩ Ưu tú VŨ LÂN - Chủ tịch Hội đồng thẩm định tại kỳ liên hoan lần này.

Đắk Lắk: Cồng chiêng được trả về với cộng đồng
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân

Với tư cách là người thẩm định, ông đánh giá thế nào về Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III năm 2024?

Phải khẳng định rằng, liên hoan lần này đã có bước tiến đáng kể và đáng mừng trong hoạt động tổ chức trình diễn/diễn tấu cồng chiêng. Những giá trị cốt lõi của di sản tiêu biểu ấy đã được các đoàn nghệ nhân/diễn viên tái hiện lại một cách chân thực và sinh động. Cồng chiêng được trả về nơi chốn sinh thành của nó - là “không gian thiêng” của nghi thức, nghi lễ truyền thống các tộc người bản địa.

Trước khi tiếng chiêng ngân lên là những nghi thức, nghi lễ truyền thống (vòng đời hay mùa vụ nông nghiệp) được tái hiện, sau đó mới trình diễn, giúp mọi người hiểu ra thông điệp của lời chiêng, hay nói cách khác là lời của cộng đồng muốn gửi gắm. Dù là trích đoạn các nghi thức, nghi lễ nói trên nhưng hiệu quả mang lại trên các mặt: tín ngưỡng, tâm linh cũng như thưởng thức âm nhạc là rất lớn và rất ý nghĩa đối với kiệt tác truyền khẩu - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh. Và từ thực tế đó đã cho thấy đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk” qua bốn giai đoạn vừa qua rất thành công, trong đó đáng chú ý nhất là nội dung phục dựng, tái hiện lại các nghi thức, nghi lễ truyền thống của cộng đồng sở hữu di sản trên.

Chính nội dung quan trọng này đã đưa văn hóa cồng chiêng trở về những giá trị cốt lõi vốn có - là thông đạt giữa con người/cuộc sống hiện hữu với thế giới vạn vật; qua đó cố kết sức mạnh cộng đồng, biểu đạt vốn văn hóa hết sức độc đáo, giàu bản sắc của các tộc người bản địa ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Xét về yếu tố hiệu quả âm nhạc trong diễn tấu cồng chiêng kết hợp hát múa dân gian và sự cộng hưởng thêm của các loại nhạc cụ truyền thống mang lại trong kỳ liên hoan lần này, ông có cảm nhận ra sao?

Không riêng tôi, mà bất kỳ ai có mặt tại liên hoan đều nhận thấy ở đó hiện ra không gian văn hóa, nghệ thuật hết sức cuốn hút và đa sắc sắc màu. Những điệu xoang trên nền chiêng đồng Aráp, Knah, Jôh hay chiêng tre (ching Kram); hoặc hát múa dân gian theo nhịp điệu, tiết tấu của kèn đing năm, đinh tút, đing buốt, đing pơng, ky páh, đàn t’rưng và trống đã mang lại hiệu quả thưởng âm nhạc đa dạng, đầy cảm xúc. Nói đầy đủ hơn là trong không gian ấy, cộng đồng các tộc người đã tái hiện rõ và lan tỏa dòng chảy lịch sử, văn hóa, nhân văn độc đáo, giàu bản sắc của mình.

Ở đây, tôi xin nói thêm về nhạc cụ tre nứa của một số dân tộc tại chỗ góp mặt trong kỳ liên hoan lần này khi hòa điệu với cồng chiêng đã có sự đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi phục dựng rất đáng mừng. Bên cạnh dàn chiêng Aráp (của người J'rai), chiêng Knah (của người Êđê) và nhất là chiêng tre (ching Kram) được cải tiến nhằm mở rộng biên độ cảm xúc âm nhạc đối với người thưởng thức - thì sự trở lại của một số nhạc cụ truyền thống (vốn đã thất truyền vài chục năm qua) như kèn h’nung ba, h’nung prô, bộ gõ tưng gơr của người M’nông ở huyện Lắk; hay đàn goong 18 dây của người J'rai ở huyện Ea H’leo đã cho thấy sự phục hưng mạnh mẽ vốn văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng của các tộc người thiểu số ở đây. Những nhạc cụ ấy đã góp phần làm cho kỳ liên hoan lần này thêm đa dạng và mới mẻ.

Đắk Lắk: Cồng chiêng được trả về với cộng đồng
Đoàn nghệ nhân huyện Ea Súp tham gia Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III năm 2024. Ảnh: Hữu Hùng

Theo ông, còn những điều gì cần được quan tâm, khắc phục để những kỳ liên hoan sắp tới thành công và có sức lan tỏa hơn?

Theo tôi, phần hát múa dân gian trong những nghi thức, nghi lễ truyền thống cần phải được tìm hiểu, nghiên cứu và tái hiện một cách đúng nghĩa và chân thật hơn. Ví như điệu múa Grứ (dáng con chim Grứ bay bổng) chẳng hạn, vốn nó chỉ được thể hiện trong lễ nghi của đám ma, hay lễ bỏ mả mà thôi, còn những nghi lễ khác không có và không nên đưa vào thực hành. Hoặc như điệu xoang của người J'rai là để vui chơi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chứ không nên thực hành trong các nghi thức, nghi lễ truyền thống. Hy vọng những nhược điểm này sẽ được khắc phục để những kỳ liên hoan lần sau trở nên đầy đủ và toàn vẹn hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo ieem.vn
https://ieem.vn/dak-lak-cong-chieng-duoc-tra-ve-voi-cong-dong-26225.html
Copy Link
https://ieem.vn/dak-lak-cong-chieng-duoc-tra-ve-voi-cong-dong-26225.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Lắk: Cồng chiêng được trả về với cộng đồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO