Đắk Lắk bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

17/01/2024 20:34

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025.

Đắk Lắk bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ảnh 1
Tặng quà các em học sinh Trường tiểu học Chu Văn An.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc rất ít người.

Dự án sẽ tập trung cho việc khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số…

Kon Tum hỗ trợ nông dân tháo gỡ vướng mắc và phát triển kinh tế

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại với nông dân chủ đề “Cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp sức và hỗ trợ nông dân, thúc đẩy và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững”.

Hội nghị là diễn đàn để nông dân tỉnh Kon Tum trao đổi, được giải đáp những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các vấn đề về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp...

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp thu, khẩn trương có văn bản chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân trong thời hạn quy định; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng công tác xây dựng đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp trên tinh thần phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng; chủ động lập quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm đối với từng cây trồng-vật nuôi cụ thể phù hợp; thường xuyên phối hợp với các địa phương hướng dẫn người nông dân phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Ấm áp “Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản” ở Gia Lai

Đắk Lắk bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ảnh 1
Tặng quà các em học sinh Trường tiểu học Chu Văn An.

Chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tổ chức Chương trình “Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản” Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại Đồn Biên phòng Ia O, huyện Ia Grai với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Gói bánh chưng, trao tặng quà người nghèo, phiên chợ 0 đồng, khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí…

Đây là hoạt động thường niên của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai mỗi dịp Tết đến xuân về nhằm kịp thời hỗ trợ, động viên các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, giúp họ đón Tết ấm áp, sum vầy.

Tại chương trình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cùng với CLB “Quỹ Thiện nguyện sinh viên” trao 30 suất quà tặng các hộ gia đình chính sách trên địa bàn xã Ia O; tặng hàng trăm suất quà cho các em học sinh 2 trường tiểu học Chu Văn An và Nguyễn Bá Ngọc (huyện Ia Grai); phối hợp với UBND xã Ia O cùng các CLB thiện nguyện và nhà hảo tâm tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” với nhiều mặt hàng thiết yếu như: Quần áo, giày dép, các nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm… giúp bà con đồng bào các dân tộc vượt qua khó khăn, thiếu thốn, đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Đắk Nông xây dựng 265 mô hình “Dân vận khéo”

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã có 265 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, xây dựng ở các cấp, ngành, địa phương; trong đó có 40 mô hình ở các lĩnh vực đã được công nhận.

Cụ thể, lĩnh vực kinh tế có 10 mô hình; văn hóa-xã hội có 14 mô hình; an ninh-quốc phòng có 12 mô hình và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có 4 mô hình; trong đó có nhiều mô hình tiêu biểu như “Mẹ đỡ đầu”, “Tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp”, “Tiết học vùng biên”, “Tuyến đường hoa”, “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”, “Chia sẻ yêu thương, đưa em vững bước tới trường”, “Thoát nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ”, “Tổ tuyên truyền-bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”…

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dak-lak-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-thieu-so-post792506.html
Copy Link
https://nhandan.vn/dak-lak-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-thieu-so-post792506.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Lắk bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO