Đắk Glong xây dựng giá trị nông sản qua OCOP
Nhiều doanh nghiệp, HTX ở Đắk Glong (Đắk Nông) đã đầu tư chế biến sâu, mở rộng thị trường, từng bước nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Sau hơn 3 năm thành lập, kiên trì sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, năm 2023, sản phẩm “Trà cao gắm” và “Trà cao an xoa” của HTX Dược liệu An Phúc Khang, xã Đắk Ha được chứng nhận OCOP 3 sao.
Theo bà Nguyễn Thị Băng, Giám đốc HTX, trà an xoa và trà cao gắm là hai loại trà được nấu từ cây an xoa và cây gắm tươi theo phương pháp thủ công kết hợp công nghệ.
Đây là hai loại thảo dược rất tốt cho sức khỏe. Việc chế biến thành trà đã giúp người tiêu dùng tiện sử dụng hơn. Các loại trà này mang lại nhiều công dụng trong việc cải thiện giấc ngủ, thanh nhiệt, đào thải các chất độc tố ra ngoài.
Với mong muốn xây dựng thương hiệu sạch, HTX đã trực tiếp cung cấp giống chất lượng và hướng dẫn về cách thức canh tác, chăm sóc cho bà con. Trong quá trình trồng, các cây dược liệu hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học hay chất kích thích.
HTX hiện đã đầu tư nhà xưởng và các máy móc hiện đại để phục vụ chế biến sâu như: máy sấy, máy tách tinh dầu, máy nấu cao, máy nghiền bột... Đơn vị cũng cam kết thu mua toàn bộ dược liệu do người dân sản xuất.
Đến nay, HTX đã đang cung ứng ra thị trường gần 30 dòng sản phẩm khác nhau như: các loại trà túi lọc, trà cao, các loại tinh dầu, bột, ngâm chân… Trong năm 2023, HTX đã cung ứng ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm; trong đó, trà cao an xoa, trà cao gắm chiếm gần 60%.
Năm 2023, sản phẩm “Măng tre bốn mùa” của Công ty TNHH MTV Ba Sang, xã Đắk Som không được may mắn khi tham gia phân hạng sản phẩm OCOP của huyện.
Sản phẩm đã phải trả về để hoàn thiện hồ sơ và đánh giá lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện cho sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Sang, Giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn nữa tới khâu đóng gói, bao bì sản phẩm. Đơn vị đang định hướng mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm một số máy móc như: máy hấp măng tươi, máy sấy măng khô, máy đóng gói tự động…
Hy vọng với những nỗ lực từ sản xuất tới chế biến, sản phẩm “Măng tre bốn mùa” sẽ được Hội đồng đánh giá cao và công nhận sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Đắk Glong đang có thế mạnh lớn về sản xuất nông nghiệp. Để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện đã hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, mở các lớp tập huấn và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng phát triển.
Địa phương đang tích cực hỗ trợ giúp các doanh nghiệp, chủ thể OCOP tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị triển lãm…
Qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến với người tiêu dùng. Huyện cũng khuyến khích các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm trang thiết bị, củng cố vùng nguyên liệu để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu từ thị trường.