Đắk Glong với bài toán nợ quá hạn Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế

Hoàng Bảo| 15/12/2020 09:10

Thời gian qua, mặc dù đã góp phần đáng kể hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế, nhưng hoạt động của Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tại địa bàn huyện Đắk Glong vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

ADQuảng cáo

Động lực khuyến khích phụ nữ vươn lên

5 năm qua, toàn huyện Đắk Glong đã thành lập được 64 nhóm tiết kiệm - tín dụng (TKTD) với 1.066 thành viên; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 54,78%, hộ nghèo chiếm 58,26%, cận nghèo chiếm 23,26%. Quỹ Cơ hội đã cấp vốn trên 36,78 tỷ đồng cho 1.704 lượt thành viên của 7 xã thuộc địa bàn điểm giao dịch vay đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động của quỹ trên địa bàn Đắk Glong

Đơn cử, tại xã Đắk R’măng hiện có 8 nhóm TKTD với 118 thành viên, có số vốn trên 3,5 tỷ đồng giúp cho 233 lượt thành viên vay. Hầu hết các nhóm đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả như đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi... Ngoài nguồn vốn được vay từ quỹ, các thành viên còn tham gia hình thức tiết kiệm để hỗ trợ cho chị em khó khăn vay thêm. Từ nguồn vốn vay, cộng với tinh thần tự lực, nhiều hội viên, phụ nữ nghèo đã vươn lên thoát nghèo.

Theo Hội LHPN huyện Đắk Glong, Quỹ Cơ hội là một trong những nguồn vốn góp phần giúp hội viên, phụ nữ đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo, cải thiện đời sống gia đình. Để có được kết quả này một phần lớn là nhờ công tác tuyên truyền luôn được quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức hội.

5 năm qua, các điểm giao dịch trong huyện đã tập trung phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ hiểu rõ về cơ chế, chính sách hoạt động, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Điểm giao dịch cấp huyện lồng ghép để triển khai đến hội viên, phụ nữ các chính sách ưu đãi của quỹ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tại các buổi sinh hoạt hội, các mô hình, câu lạc bộ, phương tiện thông tin đại chúng.

Tỷ lệ nợ quá hạn còn cao

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tại địa bàn huyện Đắk Glong vẫn còn những hạn chế nhất định như một số nhóm TKTD hoạt động chưa hiệu quả; nợ quá hạn chưa thu hồi được còn cao so với các địa phương khác…

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Đến nay, nợ quá hạn trên địa bàn huyện trên 1,16 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ trên 9 tỷ đồng. Mặc dù 3 năm gần đây, kết quả thu hồi nợ quá hạn đã giảm đáng kể từ 15,9% (năm 2018) xuống còn 12,76% (năm 2020), nhưng vẫn ở mức cao nhất toàn tỉnh.

Nguyên nhân nợ quá hạn tăng 11,99% so với năm 2015 là do tồn đọng chuyển qua từ khi chưa hình thành điểm giao dịch. Những năm đầu thành lập nhóm, quỹ đã giải ngân ồ ạt chạy theo chỉ tiêu của dự án, nên không lường trước được và thời điểm đến hạn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Giai đoạn 2015-2020, một số nhóm trưởng đã chiếm dụng vốn và bỏ đi khỏi địa phương hoặc khó khăn về kinh tế nên trốn đi nơi khác làm ăn, dẫn đến nợ quá hạn cao. Đối tượng vay quỹ chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số… Vốn sử dụng để đầu tư chăm sóc hoặc trồng mới cà phê, tiêu, nhưng những năm gần đây, giá cả nông sản xuống thấp, dẫn đến không có khả năng chi trả. Một số thành viên cố ý chây ì, không trả, mặc dù có khả năng chi trả…

Từ năm 2020 đến nay, Quỹ Cơ hội tiến hành gia hạn và xóa nợ cho một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trong việc trả nợ đến hạn. Tuy nhiên, sau khi được gia hạn, trách nhiệm trả nợ của các thành viên vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, nên nợ quá hạn vẫn còn nhiều. Cán bộ quỹ đã làm việc với cấp ủy, chính quyền và Hội phụ nữ các xã nhằm thúc đẩy công tác lãnh đạo, quản lý và tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vay vốn, nhưng các thành viên có nợ quá hạn thường né tránh các buổi mời làm việc, nên hiệu quả chưa cao.

Việc nợ quá hạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của một số nhóm, bởi theo quy định, một thành viên trong nhóm nợ quá hạn, chây ì không trả nợ thì những thành viên còn lại không được vay vốn. Điều này dẫn đến số lượng nhóm TKTD đã giảm 14 nhóm so với năm 2015.

Ngoài nguyên nhân trên còn có một phần do ban quản lý nhóm không duy trì được hoạt động nhóm; một số nhóm chiếm dụng vốn bỏ đi khỏi địa bàn; một số nhóm khác đã thoát nghèo và có nhu cầu vốn cao hơn nên đã chuyển sang vay vốn các ngân hàng thương mại khác.

Đề ra các giải pháp cần thiết

Trước những hạn chế trên, tại Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động của Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tại địa bàn huyện Đắk Glong giai đoạn 2015-2020, Phó Bí thư Huyện ủy Đắk Glong Trần Nam Thuần nhấn mạnh, Quỹ Cơ hội đã góp phần đáng kể vào giảm nghèo của địa phương, nên việc duy trì, phát triển các nhóm TKTD là điều cần thiết và phải nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động. Việc đầu tiên, Hội LHPN huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức cho hội viên, phụ nữ về cơ chế cho vay và trả nợ trước khi tham gia vào các nhóm TKTD. Các cấp hội cũng cần phải phối hợp, đôn đốc, nhắc nhở các nhóm trả nợ khi gần đến kỳ hạn, nhất là thực hiện kiểm tra, giám sát một cách sâu sát, cụ thể.

Ông Thuần cho biết: “Cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc cùng với các cấp hội phụ nữ tìm hiểu nguyên nhân, đề ra giải pháp để giải quyết bài toán nợ quá hạn này cũng như phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn Quỹ Cơ hội. Bởi, công cuộc xóa đói giảm nghèo không phải là việc của một tổ chức, cá nhân mà thuộc về cả hệ thống chính trị và hiệu quả của nguồn quỹ này mang lại không hề nhỏ”.
Hiện nay, điểm giao dịch huyện đã làm việc với công an, UBND các xã xác minh những trường hợp nợ quá hạn, bỏ đi làm ăn nơi khác để liên lạc thu hồi nợ và trình hội đồng quản lý xin ý kiến xử lý. Hội LHPN huyện cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đối chiếu và đánh giá các xã, nhóm thường xuyên, phù hợp, nhất là thẩm định hồ sơ chặt chẽ nhằm phát hiện thành viên gian lận, vay ké…

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong với bài toán nợ quá hạn Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO