Đắk Glong và những dấu ấn năm 2024
Một năm với nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đắk Glong đang từng bước gặt hái những kết quả ấn tượng.
Một năm với nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đắk Glong đang từng bước gặt hái những kết quả ấn tượng.
Năm 2024 đánh dấu những bước tiến vượt bậc trong phát triển nông nghiệp của Đắk Glong, khẳng định vai trò trụ cột của ngành này đối với kinh tế huyện.
Trên địa bàn huyện, nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đã được hình thành, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức và vai trò của việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Đến nay, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, diện tích các loại cây công nghiệp, cây ăn quả ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 1.400 ha.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Thịnh Phát, xã Quảng Sơn đạt chứng nhận VietGAP cho các cây trồng như: Cải thảo: 43 ha, củ cải: 60 ha; chứng nhận 4C cà phê: 158ha.
Sản phẩm của HTX hiện đang cung ứng cho các đối tác Hàn Quốc. Mô hình phát triển mạnh đã nhanh chóng mang lại giá trị kinh tế cao cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Tương tự, HTX Công nghệ cao Đắk Ha, xã Đắk Ha cũng đang trồng các loại cây theo chứng nhận VietGAP. Trong đó, bao gồm: khoai lang 100ha; susu 20ha; đậu bắp 20ha; cà tím nhật 20ha; 4.000m2 nhà kính trồng ớt chuông. Hay như Tổ hợp tác Nam Long, xã Đắk Ha cũng đang sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững cho 154,9ha.
Việc hỗ trợ các chính sách và chương trình đào tạo, chăn nuôi chất lượng trên địa bàn đã có những bước tiến trình rõ ràng. Ngày càng có nhiều hộ gia đình, trang trại đầu tư vào chăn nuôi tập trung, quy mô vừa và lớn, kết hợp ứng dụng công nghệ cao.
Một số trang trại tiêu biểu bao gồm: Trang trại heo Quảng Sơn, Nguyễn Văn Mạnh, Trần Văn Thành, trang trại Nguyễn Huy Hoàng, Trần Đình Quang…
Huyện đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và có 9 sản phẩm đang trong quá trình thẩm định, tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCCOP cấp huyện 2024.
Trong năm, Đắk Glong đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thu ngân sách. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Địa phương đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế, tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế, góp phần tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Nổi bật là huyện đã thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền chính sách thuế như: trên trang tin điện tử của ngành Thuế, youtube của Cục Thuế, zalo của Chi cục Thuế khu vực, trả lời bằng điện thoại, email, tổ chức hội nghị trực tuyến hỗ trợ, trả lời chính sách cho người nộp thuế…
Huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đồng thời, hướng dẫn hộ, cá nhân kinh doanh cài đặt Etax mobile và thông báo công khai các tổ chức, cá nhân nợ thuế trên phương tiện truyền thông.
Tổng thu ngân sách Nhà nước huyện Đắk Glong năm 2024 ước hơn 219 tỷ đồng, đạt 109,52 % so với dự toán. Trong đó, phần thuế do UBND huyện quản lý, tổ chức thu trong năm ước thực hiện được hơn 71,7 tỷ đồng, đạt 102,24% dự toán.
Khu vực doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương quản lý ước thực hiện được 116,6 tỷ đồng, đạt 112,16% dự toán giao; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý được 729 triệu đồng, đạt 69,45% so với dự toán giao; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh được 38,7 tỷ đồng, đạt 136,63% dự toán.
Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân toàn huyện thu được hơn 14,2 tỷ đồng; lệ phí trước bạ 13,1 tỷ đồng; thu phí, lệ phí hơn 3 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 11,5 tỷ đồng; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 15,1 tỷ đồng; thu khác ngân sách 4,7 tỷ đồng.
Các giải pháp thực hiện kiểm tra trước và sau hoàn thuế được huyện đẩy mạnh, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách Nhà nước.
Đắk Glong cũng đã rà soát, xác định cụ thể các đối tượng đang được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn, nhất là các dự án hết thời gian được hưởng ưu đãi hoặc những trường hợp không thực hiện dự án…
Công tác kiểm tra, rà soát, xác định số thuế nợ đọng của từng đối tượng nợ thuế được huyện tăng cường. Từ đó, phân loại theo tình trạng nợ thuế, nguyên nhân nợ, để đôn đốc và có biện pháp cưỡng chế thuế, tổ chức cưỡng chế thu hồi nợ theo quy định.
Tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn huyện Đắk Glong ước tính đến 31/12/2024 là hơn 8,2 tỷ đồng, giảm hơn 2,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 24,3% so với số tiền nợ thuế thời điểm 31/12/2023. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là hơn 7,7 tỷ đồng; tiền thuế nợ không có khả năng thu là 504 triệu đồng.
Đặc biệt là triển khai công tác thu nợ, thực hiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Nhờ đó, số nợ giảm so với đầu năm và cùng kỳ năm trước.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần cho biết: “Năm 2025 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước của giai đoạn 2022-2025. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu cho năm tới, với quyết tâm thu đạt và hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao”.
Nội dung, ảnh: Lê Dung
Trình bày: Phong Vũ