Kinh tế

Đắk Glong và mục tiêu 8 vùng nông nghiệp công nghệ cao

Lê Dung 03/04/2024 06:05

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang được huyện Đắk Glong triển khai mạnh mẽ, giúp mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

ADQuảng cáo
htx-thinh-phat-1(1).jpg
Lãnh đạo huyện Đắk Glong tham quan mô hình sản xuất của HTX Nông nghiệp, dược liệu, dịch vụ thương mại Thịnh Phát

Ưu tiên ứng dụng công nghệ

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong hiện đang liên kết với gần 100 nông dân canh tác trên vùng nguyên liệu hơn 300ha.

Giám đốc HTX Đặng Ngọc Hương cho biết, sản phẩm rau, củ, quả của đơn vị hoàn toàn được canh tác theo hướng hữu cơ và VietGAP. Mọi quy trình sản xuất đều được tuân thủ nghiêm ngặt. HTX nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh.

htx-dak-ha(1).jpg
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha, xã Đắk Ha (Đắk Glong) tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp sạch

Đặc biệt, tại vườn trồng được đơn vị áp dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt thông qua hệ thống tưới tự động. Sản phẩm của HTX được dán tem truy xuất nguồn gốc, mã số từng hộ thành viên.

Để trồng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, HTX đã chọn khu vực sản xuất cách xa khu dân cư và quốc lộ. Đơn vị đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP và phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong việc theo dõi, giám sát các khu vực sản xuất. “Do được sản xuất theo quy chuẩn nên chất lượng nông sản được khách hàng đánh giá cao. Hiện tại, sản phẩm của đơn vị làm ra bao nhiêu đều được các bạn hàng từ TP. Hồ Chí Minh đến tận nơi tiêu thụ hết đến đó, ông Hương cho hay.

Tương tự, HTX Nông nghiệp, dược liệu, dịch vụ thương mại Thịnh Phát, xã Quảng Sơn đang có những đơn hàng ổn định cho các mặt hàng rau củ, đặc biệt là cải thảo.

HTX hiện đang liên kết sản xuất với gần 700ha các loại cây trồng như: cà phê, tiêu, rau, dược liệu. Trong đó, diện tích trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP có khoảng gần 100ha. Mỗi tháng, đơn vị đang cung ứng ra thị trường gần 100 tấn cải thảo và 200 tấn củ cải. Đặc biệt, hiện nay HTX đang liên kết với doanh nghiệp sản xuất cải thảo để làm món Kim Chi Hàn Quốc tại nhà máy ở Long An và Đức Trọng (Lâm Đồng).

htx-thinh-phat-2(1).jpg
Vườn cải thảo được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp, dược liệu, dịch vụ thương mại Thịnh Phát, xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Để thuận tiện trong sản xuất, thu hoạch và chế biến, thành viên HTX đã đầu tư nhà kính, máy đóng bầu phục vụ cho ươm cây giống. Toàn bộ vườn trồng được trang bị máy phun sương, tưới tiết kiệm cho vùng trồng lớn.

ADQuảng cáo

HTX còn tiên phong trong chuyển đổi số, bằng các giải pháp đồng bộ, như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR.

Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX chia sẻ, thời gian tới, HTX sẽ đầu tư thêm một số máy móc, công nghệ mới như: máy cày, máy xới đất, nhà kho, kho lạnh, xe lạnh… để phục vụ cho việc sản xuất và sơ chế, dự trữ, vận chuyển nông sản được tốt hơn.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung

UBND huyện Đắk Glong hiện đã lựa chọn được 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để triển khai thực hiện, bao gồm: 5 vùng trồng trọt (hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả) và 2 vùng chăn nuôi (bò thịt, bò sinh sản và thủy sản); 1 vùng chăn nuôi heo thịt gắn với giết mổ. Đây là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, tiềm năng phát triển tại địa phương.

htx-thinh-phat(1).jpg
Đắk Glong đang tập trung các giải pháp xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung

Cụ thể, trong giai đoạn 2021- 2025, huyện phấn đấu hình thành được 2 vùng dự án, đó là: vùng cà phê (Quảng Sơn), với quy mô 300ha và vùng chăn nuôi heo thịt gắn với giết mổ ở các xã Đắk Ha, Quảng Khê, Quảng Sơn, với quy mô 300ha.

Giai đoạn 2026 – 2030 sẽ hình thành được 5 vùng dự án. Đó là, vùng cà phê (Quảng Khê, Đắk Som) với quy mô 600ha; vùng hồ tiêu (Quảng Sơn, Đắk Ha) với quy mô 600ha; vùng cây ăn quả (Quảng Khê) với quy mô 300ha; vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản (Quảng Sơn, Đắk Ha) với quy mô 350ha; vùng nuôi trồng thủy sản (Quảng Khê, Đắk Som) với quy mô 250ha.

Để đạt được mục tiêu trên, địa phương đang thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các hộ dân và HTX áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Từ năm 2018 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ được 2 chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên cây cà phê, với diện tích hơn 220ha cho 2 HTX; hỗ trợ được 5 HTX sản xuất theo chứng chỉ thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho một số loại cây ăn trái.

Trên cơ sở định hướng phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 1.575 lao động nông thôn gắn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

htx-dak-ha-1(1).jpg
Sản phẩm nông nghiệp VietGAP của Đắk Glong đang được thị trường đón nhận tích cực

Địa phương chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các xã tăng cường hướng dẫn người sản xuất nông nghiệp áp dụng một số công nghệ như: công nghệ sinh học, nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, phân bón và quản lý dịch hại tổng hợp…

Huyện cũng luôn chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp có mong muốn thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong và mục tiêu 8 vùng nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO