Đắk Glong quyết tâm thoát huyện nghèo trong năm 2025
Với tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,56% so với năm 2023, đạt 139% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 9,01%, đạt 150,17% kế hoạch… Đắk Glong kỳ vọng trong năm 2025 sẽ thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.
Sau nhiều năm sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát, từ năm 2025, gia đình chị K’Lệ Thủy, dân tộc Mạ, ở thôn 6, xã Quảng Khê đã được về ở trong ngôi nhà mới do Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng. Niềm vui được nhân lên khi gia đình chị K’Lệ Thủy chính thức thoát nghèo trong năm 2025.

Chị K’Lệ Thủy chia sẻ: “Bản thân tôi luôn ao ước có một căn nhà kiên cố để con cái được sinh hoạt, ngủ nghỉ thoải mái. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, anh em họ hàng hỗ trợ ngày công cùng với số tiền mà gia đình tiết kiệm được, đầu năm 2025 tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Có căn nhà mới rộng rãi, khang trang, bản thân tôi tự nhủ phải cố gắng thoát nghèo, không còn là gánh nặng cho Nhà nước, xã hội”.
Cũng như gia đình chị K’Lệ Thủy, hàng trăm hộ dân khác ở huyện Đắk Glong thoát nghèo trong năm 2024. Là huyện nghèo của cả nước, Đắk Glong được ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng vốn bố trí giai đoạn 2021-2024 đạt trên 785 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, tùy vào nguyện vọng, nhu cầu đăng ký của người dân, huyện Đắk Glong đã hỗ trợ thực hiện nhiều dự án sinh kế như: cải tạo cà phê, trồng dâu nuôi tằm, nuôi dúi, gà và nuôi bò, dê sinh sản. Việc đẩy mạnh thực hiện các dự án đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Điểm nổi bật trong thực hiện công tác giảm nghèo ở Đắk Glong là hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đều được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đắk Glong, tổng dư nợ đến ngày 31/12/2024 đạt 709 tỷ đồng, với 9.665 hộ được vay vốn. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp khoảng 1.226 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Anh Nguyễn Văn Quyết, thôn 3, xã Quảng Khê phấn khởi nói: "Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi bớt lo lắng về lãi suất. Số tiền vay được, tôi đã đầu tư chăm sóc vườn cà phê, nhờ đó nâng cao năng suất được cải thiện đáng kể".
Một trong những yếu tố tác động tích cực nhất đến kết quả giảm nghèo của Đắk Glong thời gian qua là đã khơi dậy được tinh thần vươn lên của người dân. Nhiều hộ sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và với ý chí vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đắk Glong năm 2024 giảm còn 7,88%. Năm 2025, huyện đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 3%.
Ông Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong cho rằng, kết quả giảm nghèo của huyện Đắk Glong trong năm 2024 vừa qua cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người dân. Để đạt được mục tiêu trên và đưa Đắk Glong thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, huyện sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, huyện tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tuyên truyền, khơi gợi ý thức thoát nghèo trong người dân; huy động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số... cải thiện đời sống, kinh tế, phát triển bền vững.