Xây dựng Đảng

Đắk Glong phát triển đảng viên vùng đồng bào Mông

Mẫn Doanh - Trọng Nghĩa 26/09/2024 - 17:08

Thời gian qua, việc phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có đồng bào Mông trên địa bàn huyện Đắk Glong (Đắk Nông) được các cấp ủy quan tâm.

ADQuảng cáo

Giữ vai trò nòng cốt ở cơ sở

Được Đảng tin, dân mến, chị Hảng Thị Khua, dân tộc Mông được bầu và giao trọng trách là Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 5, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong.

Hình ảnh người nữ bí thư chi bộ nhiệt huyết, trách nhiệm không chỉ khẳng định vai trò, tinh thần trách nhiệm của chị Hảng Thị Khua, mà còn góp phần thay đổi nhận thức, suy nghĩ của đồng bào Mông về vị thế, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.

Nằm cách trung tâm xã Đắk Ha gần 20km, thôn 5 chủ yếu là người Mông sinh sống. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hạ tầng giao thông thôn 5 được đầu tư. Tuy nhiên, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Chị Khua ý thức rất rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc chuyển tải đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Qua đó phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng với Nhân dân.

Ở thôn mọi việc đều được chị Khua nói cái hay, cái tốt để bà con mình làm theo. Chị ấy nhiệt tình lắm, ngày gặp bà con cũng nói, tối bà con đi nương rẫy về chị cũng ghé nhà để tuyên truyền. Như hôm rồi Khua nói mình mới biết cho các con lên xã để làm căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi

Chị Lý Thị Kia, thôn 5, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông

Trong thời điểm xã Đắk Ha đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 06, khi đồng chí công an viên của thôn túc trực tại trụ sở Công an xã để phối hợp hỗ trợ thì bản thân chị Khua đã tích cực đi vận động, tuyên truyền, hướng dẫn từng gia đình cài định danh điện tử. Theo chị Khua, khó khăn nhất của thôn 5 là trình độ dân trí thấp, người dân còn thiếu hiểu biết nên dễ phát sinh những vấn đề phức tạp.

Chính vì vậy, một trong những vấn đề được chị Khua đặt lên hàng đầu là vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Qua hơn 2 năm làm bí thư chi bộ, chị Khua đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, của người đứng đầu cấp ủy. Chi bộ phát triển từ 5 đảng viên lên 7 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên người Mông.

1(2).jpg
Đảng viên người Mông ở xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong nêu gương đi đầu trong làm kinh tế, đa dạng nguồn thu nhập từ trồng lúa, cà phê, keo và chăn nuôi…

Chị Ma Thị Ly, thôn 6, xã Đắk R’măng là một trong hai nữ đảng viên người Mông của huyện Đắk Glong cùng lúc đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn.

Chị như một tấm gương đối với phụ nữ Mông nơi đây. Vì xưa nay, phụ nữ Mông quẩn quanh với nương rẫy, góc bếp, góc nhà. Bao người thiếu nữ chưa qua tuổi trăng tròn đã lập gia đình, làm mẹ, nói gì đến chuyện làm công tác xã hội. Chị Ly vượt qua rào cản về tập quán, định kiến xã hội, đứng lên lãnh đạo Nhân dân trong thôn thực hiện mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Chị tâm sự rằng, muốn dân tin và làm theo thì mình là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Trước hết là phát triển kinh tế gia đình. Chị trồng lúa, cà phê, keo và chăn nuôi. Gia đình chị Ly là hộ khá giả trong thôn. Thấy gia đình chị làm ăn hiệu quả, nhiều hộ trong thôn cũng học theo.

img_0138.jpg
Chị Ma Thị Ly (bên phải), Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 6, xã Đắk R’măng dành nhiều thời gian sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình hình đời sống của bà con để tham mưu cấp ủy, chính quyền

So với nhiều năm trước, đời sống đồng bào Mông ở thôn 6 đã có bước phát triển vượt trội. Tuy nhiên, lực cản lớn nhất khiến đời sống còn nhiều khó khăn là tình trạng tảo hôn và sinh con đông. Thực trạng này đã được địa phương và nữ Bí thư Chi bộ Ma Thị Ly tập trung tuyên truyền để bà con thay đổi nhận thức.

Dù biết vận động người nghe, người không, nhưng việc của mình là phải cố gắng, nói một lần không được thì nói nhiều lần đến khi bà con hiểu mới thôi

Chị Ma Thị Ly, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 6, xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông

Địa bàn thôn 6 rộng, dân cư sống rải rác, để chủ trương của Đảng đến được với bà con, chị phải hy sinh, cố gắng rất nhiều. Chị từng bước tiếp cận, bền bỉ tuyên truyền vận động mọi người nhận rõ đúng sai, lẽ phải, hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó phòng chống âm mưu của các thế lực thù địch lừa gạt người Mông, chia rẽ, phá hoại mối đại đoàn kết dân tộc. Tin tưởng vào bí thư chi bộ, bà con đã cung cấp cho chị nhiều thông tin quan trọng.

Đội ngũ đảng viên người Mông đã thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực vận động đồng bào chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, nhiều tiến bộ đã đạt được như phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Hầu hết các bản làng người Mông đều đã thành lập chi bộ, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Các tổ chức Đảng và chính quyền địa phương không ngừng được củng cố, kiện toàn và đổi mới. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là tại các thôn, bản có đông đồng bào Mông sinh sống. Nhờ vậy, vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở Đảng ngày càng được khẳng định

Gặp nhiều thách thức

Theo số liệu thống kê, năm 2024, huyện Đắk Glong có 34 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Mông có 3.695 hộ, với hơn 23.780 khẩu; tập trung đông nhất ở các xã Đắk R’măng, Đắk Som, Quảng Hòa, Đắk Ha…

Công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc Mông tại huyện Đắk Glong luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy các cấp. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Một trong những nguyên nhân chính là vai trò của một số chi ủy, bí thư chi bộ chưa được phát huy tối đa. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, đặc biệt là đồng bào Mông, để họ hiểu rõ và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.

2.jpg
Là một gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đảng viên Hầu Seo Mùa (ngoài cùng bên phải), thôn 7, xã Đắk R’măng trao đổi kinh nghiệm chọn cây giống cà phê với người dân

Bên cạnh đó, nguồn phát triển đảng viên người Mông còn hạn chế về chất lượng. Nhiều ứng viên tiềm năng gặp khó khăn về trình độ học vấn, vi phạm chính sách dân số, hoặc có lý lịch phức tạp do di cư... Việc phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp đảng viên mới cũng chưa được các tổ chức cơ sở đảng thực hiện thường xuyên và hiệu quả.

Một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến công tác này, như việc sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bon chưa hợp lý, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực để hỗ trợ công tác phát triển đảng viên.

Khắc phục khó khăn, chú trọng tạo nguồn

Khắc phục khó khăn, thời gian qua, công tác phát triển đảng viên người Mông trên địa bàn huyện Đắk Glong đã có những bước tiến mới và tích cực. Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở các xã có tỷ lệ lớn dân số là đồng bào dân tộc Mông, như xã Đắk R’măng, nơi có 62% dân số là người Mông.

Trước đây, việc triển khai các nhiệm vụ tại các thôn người Mông gặp không ít khó khăn do cán bộ thôn chưa thật sự am hiểu phong tục tập quán và tiếng nói của bà con. Nhận thức được hạn chế này, Đảng ủy xã đã chủ động triển khai nhiều giải pháp.

img_9937.jpg
Đồng chí Bế Văn Lưu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông luôn sâu sát, nắm bắt tình hình các chi bộ và đời sống đảng viên người Mông

Một trong những giải pháp quan trọng là rà soát, tạo nguồn, bổ sung và bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận cho Đảng. Trong đó ưu tiên những người trẻ tuổi là con em địa phương, tốt nghiệp THPT hoặc các trường cao đẳng, đại học. Các bí thư chi bộ, đảng viên và các đoàn thể đã tích cực vào cuộc, sâu sát đến từng hộ dân để phát hiện và giới thiệu những quần chúng ưu tú. Nhờ đó, một số thôn đã có bí thư chi bộ là người Mông, nắm bắt rõ tình hình địa phương và được bà con tin tưởng như thôn 6 và thôn 7.

Để bảo đảm sự bền vững và hiệu quả, Đảng ủy xã luôn theo sát quá trình bồi dưỡng, rèn luyện của các quần chúng ưu tú. Đồng chí Bế Văn Lưu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đắk R’măng cho biết: "Chúng tôi xác định việc tìm kiếm, bồi dưỡng cán bộ, phát triển đảng là một quá trình lâu dài, cần sự kiên trì và quyết tâm. Việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên người Mông sẽ giúp họ có cơ hội rèn luyện, cống hiến và gắn bó hơn với cộng đồng. Qua đó, góp phần củng cố tổ chức Đảng ở cơ sở."

4(1).png
ĐH: HM

Đồng chí Lưu cho biết, quá trình phát triển đảng viên người Mông gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc chấp hành chính sách dân số và thẩm tra lý lịch. Tuy nhiên, Đảng ủy xã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên trong việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị cơ sở.

Hàng năm, Đảng ủy xã đều giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức cơ sở để rà soát, tạo nguồn, bồi dưỡng và bổ sung những đảng viên mới, ưu tiên các đối tượng là thanh niên người Mông có trình độ học vấn, đang sinh sống tại địa phương. Các tổ chức đoàn thể đã tích cực tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua để thu hút sự tham gia của quần chúng, tạo điều kiện để họ rèn luyện và phấn đấu. Đến nay, Đảng bộ xã đã có 164 đảng viên, trong đó có 12 đảng viên người Mông.

Công tác phát triển đảng viên tại các bản làng người Mông ở huyện Đắk Glong luôn được đặc biệt chú trọng, nhằm xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đồng chí Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong, xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Để đạt được mục tiêu này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

3(1).png
ĐH: HM

Cụ thể, huyện đã tăng cường công tác củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, phân công cấp ủy viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Đắk Glong đã đạt được kết quả đáng ghi nhận khi phát triển thêm 11 đảng viên người Mông, nâng tổng số đảng viên người Mông lên 50 đồng chí. Đáng chú ý, 100% các thôn, bon đều có tổ chức Đảng và nhiều thôn có đông đồng bào Mông sinh sống đã có đảng viên người Mông giữ vai trò lãnh đạo chi bộ.

Chất lượng đội ngũ đảng viên người Mông không ngừng được nâng cao về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Song song đó, huyện đã đặt ra chỉ tiêu cụ thể về việc tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS, nhất là người Mông vào các vị trí phù hợp tại từng cơ quan, đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong phát triển đảng viên vùng đồng bào Mông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO