Đắk Glong phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong phát triển kinh tế
Huyện Đắk Glong (Đắk Nông) phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong việc đưa các nghị quyết đến gần với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong phát triển kinh tế.
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Đây là năm thứ hai, cây củ cải trắng được gia đình anh Hoàng Đình Nhâm, thôn 8, xã Đắk Ha đưa về trồng thay thế cho toàn bộ diện tích hồ tiêu bị dịch bệnh.
Anh Nhâm phấn khởi, nhiều năm trồng cây hồ tiêu, nhưng bị dịch bệnh nên bao công đầu tư của gia đình đành mất trắng, không mang lại thu nhập. Được sự tuyên truyền, động viên từ cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình đã mạnh dạn phá bỏ toàn bộ diện tích hồ tiêu, dọn dẹp vườn tược sạch sẽ, cày xới, xử lý đất và chuyển qua trồng cây màu.
Thông qua sự kết nối của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đã về hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật canh tác và thu mua sản phẩm tận nơi cho bà con. Quá trình trồng, chăm sóc, cây sinh trưởng, phát triển khá tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của khu vực này. Đến nay, sản lượng củ cải trắng mang lại rất cao, với 60 tấn/ha.
Với tổng diện tích 2ha này, mỗi năm, gia đình đang trồng được từ 4-5 vụ củ cải. Với giá thị trường hiện nay vào khoảng 2.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi vụ, gia đình thu về gần 50 triệu đồng/ha. Toàn bộ sản phẩm được cung ứng cho Chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh. Sắp tới, gia đình sẽ trồng thêm cải thảo, để đa dạng nguồn thu trên cùng 1 diện tích canh tác cho gia đình.
Chủ trương phát triển kinh tế của địa phương được gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, thôn 8, xã Đắk Ha nhiệt tình hưởng ứng. Mặc dù đã gần bước sang tuổi 70, nhưng ông Hòa vẫn cần mẫn với công việc vườn, rẫy. Trong khu rẫy rộng 4ha, gia đình ông Hòa đang trồng khá nhiều loại cây ăn quả khác nhau như sầu riêng, bơ, cà phê, tiêu, cam, quýt, dâu da…
Ông Hòa chia sẻ, được sự vận động, truyên truyền của cấp ủy, chi bộ, gia đình đã không để đất trống, mà tận dụng số diện tích nhàn rỗi, trồng xen nhiều loại cây trồng. Với mô hình đa cây này, gia đình ông rất yên tâm. Vì nếu có mất mùa cây trồng này thì sẽ có nguồn thu của cây khác kéo lại. Nhẩm tính sau khi trừ mọi chi phí, năm 2023, gia đình ông Hòa phấn khởi thu về gần 700 triệu đồng.
Ông Trần Văn Giang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8, xã Đắk Ha cho hay, để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, bám sát định hướng của xã và tình hình thực tế ở địa phương, Chi bộ thôn đề ra giải pháp khuyến khích bà con đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao thay thế cho cây trồng cũ. Những năm gần đây, rau, củ, quả là những cây trồng được lựa chọn với hy vọng mang lại cơ hội đổi đời cho người dân trong thôn.
Hàng năm, thông qua các đợt tổng kết, chi bộ đã mời các hộ gia đình tiêu biểu tham gia góp ý xây dựng nghị quyết chi bộ thôn. Từ đó, tìm ra các hướng đi mới, mô hình mới để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng 1 diện tích cho bà con.
Năm 2022, thôn 8, xã Đắk Ha có 289 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 35,52% tổng số hộ dân. Đến nay, thôn chỉ còn 74 hộ, chiếm 9,66%. Số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi hiện chiếm 1/3 thôn, tương đương 280 hộ. Thu nhập bình quân đầu người của thôn năm 2023 tăng 54 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2022.
Kết quả này không chỉ phản ánh sự nỗ lực của người dân nơi đây, mà còn cho thấy sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong phát triển kinh tế đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả.
Đưa nghị quyết gần với Nhân dân
Huyện Đắk Glong phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống dưới 10%, hoàn thành kế hoạch thoát khỏi huyện nghèo, huyện đặc biệt khó khăn vào năm 2025.
Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha Nguyễn Thị Quế thông tin, bám sát tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, trong thời gian qua, Đảng ủy xã đã tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con.
Đến nay, trong cơ cấu kinh tế của xã Đắk Ha, nông, lâm nghiệp vẫn chiếm phần lớn, với 63%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 14,19%; thương mại, dịch vụ chiếm 22,81%.
Riêng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp hiện là chủ lực trong cơ cấu kinh tế, Đảng ủy xã chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở một số cây trồng chính.
Địa phương tích cực hướng dẫn Nhân dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích người dân xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng phát triển công nghiệp sơ chế để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế được xã tập trung. Đặc biệt, địa phương coi trọng các dự án, chương trình phát triển sinh kế, quan tâm để người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Song song đó, Đảng ủy xã cũng chú trọng tới ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân. Chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm sao nâng cao danh dự, lòng tự trọng, vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỉ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
Từ đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Đắk Glong là 40,81%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 12,28%, giảm 28,53%. Phấn đấu đến cuối năm 2024, xã chỉ còn dưới 12% hộ nghèo. Cuối năm 2024, xã Đắk Ha sẽ về đích nông thôn mới. Xã đang phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần cho hay, các chính sách về giảm nghèo của Trung ương, tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tất cả được triển khai đồng bộ, kịp thời ở tất cả các cấp, ngành và địa phương. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Hộ nghèo đã được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm.
"Công tác giảm nghèo đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Từ đó, thu hút sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của các thành phần kinh tế, các tầng lớp Nhân dân và của chính hộ nghèo, hộ cận nghèo"- Ông Thuần chia sẻ.
Nhờ đó, các chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 2025 của huyện Đắk Glong đến nay, cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 25,71%. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể: năm 2021, đạt 36,4 triệu đồng; năm 2022 đạt 39,25 triệu đồng và năm 2023 đạt 43,2 triệu đồng.
Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện Đắk Glong là 6.690 hộ (chiếm 39,15%); hộ cận nghèo 2.513 hộ (chiếm 14,71%). Năm 2022, còn 4.545 hộ nghèo (chiếm 25,68%), số hộ cận nghèo 2.145 hộ (chiếm 12,12%). Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 2.531 hộ nghèo (chiếm 13,44%), số hộ cận nghèo còn 2.451 hộ (chiếm 13,02%).
Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đã góp phần đưa nghị quyết của Đảng đến gần với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, củng cố niềm tin và khơi dậy sự vươn lên, quyết tâm của đồng bào các dân tộc cùng Đắk Glong thực hiện thắng lợi nghị quyết đề ra.