Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Đắk Glong phát huy nguồn vốn vay từ Nghị định số 28

Nguyễn Hiền 11/04/2024 6:00

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân ở huyện Đắk Glong (Đắk Nông) vươn lên ổn định cuộc sống.

ADQuảng cáo

Trợ lực từ hỗ trợ lãi suất vốn vay

Gia đình anh K’Tông, bon Sê rê A, xã Đắk Som là một trong nhiều hộ dân của huyện Đắk Glong được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ - CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Anh K'Tông cho biết, trong lúc khó khăn, anh được Nhà nước cho vay vốn 100 triệu đồng, anh đầu tư thêm 20 triệu đồng mua máy cày, gia cố các phụ kiện để phù hợp với công việc chuyên chở hàng hóa, phân bón đi đường đèo dốc và lầy lội.

Rẫy cách xa nhà nên có chiếc xe máy cày với anh K’Tông như "nắng hạn gặp mưa". Mùa nào cũng cần đến xe, lúc chở nước, lúc chở phân bón, chở cà phê sau thu hoạch… Khi làm xong vườn rẫy nhà, anh K’Tông lại sử dụng xe để đi chở phân bón, cà phê... thuê cho bà con trong bon kiếm được kha khá tiền công. Từ khi có chiếc xe máy cày, người dân trong bon thấy anh K’Tông chăm chỉ lao động, làm ăn hơn.

Theo anh K'Tông, trước đây không có xe máy cày, mỗi lúc bón phân hay thu hoạch cà phê, tôi phải dùng xe máy chở được 3-4 bao/lần rất mất thời gian và tốn tiền xăng xe đi lại. Nay có xe máy cày tôi có thể chở được một lúc 30-40 bao phân bón hay cà phê...

"Từ ngày có xe máy cày, mọi việc trở nên thuận lợi hơn. Công việc chăm sóc, thu hoạch cũng nhanh, đỡ vất vả hơn. Nếu không có hỗ trợ của Nhà nước, không biết bao giờ tôi mới mua được xe máy cày để phục vụ sản xuất. Qua hai năm sử dụng, ngoài phục vụ gia đình, tôi chở thuê cho bà con, gom được một phần ba số tiền để trả nợ vốn vay cho Nhà nước. Tôi phấn đấu năm tới sẽ trả hết nợ”, anh K’Tông cho hay.

img_9962.jpg
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định số 28, nhiều hộ dân ở huyện Đắk Glong đã mua được xe máy cày để phục vụ sản xuất, tạo sinh kế

Anh K’Noen, bon Ka Nur, xã Quảng Khê cũng nhờ nguồn vốn vay đã làm được nhà ở kiên cố, thay thế căn nhà tạm trước đây. Anh K’Noen cho biết: “Gia đình khó khăn nên việc làm nhà mới đối với vợ chồng tôi rất khó thực hiện. Khi được Nhà nước hỗ trợ 90 triệu đồng tiền vay hỗ trợ lãi suất, vợ chồng tôi đã vay mượn thêm 40 triệu đồng để xây căn nhà nhỏ cho con cái có chỗ ăn ở, học hành mà không lo mỗi mùa gió đến. Có nhà, vợ chồng tôi có động lực và yên tâm tăng gia sản xuất để trả dần nợ, nhanh chóng ổn định cuộc sống hơn”.

Tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân

Để triển khai hiệu quả Nghị định số 28, huyện Đắk Glong đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với Nhân dân trên địa bàn. Huyện đã rà soát và hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả, thuận lợi nhất.

img_0018.jpg
Ngôi nhà của anh K’Noen (ngoài cùng bên phải) được làm nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định số 28

Cụ thể, 7/7 UBND cấp xã đã triển khai thực hiện các điểm giao dịch vay vốn tại trụ sở, vừa tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân trong giao dịch, tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, vừa tiết giảm được chi phí cho người dân. UBND các xã niêm yết công khai chính sách tín dụng, các quy định, quy trình, đối tượng thụ hưởng, lãi suất. Từ đó, hoạt động tín dụng chính sách vừa được giám sát của chính quyền vừa thực hiện giám sát cộng đồng, bảo đảm công khai, dân chủ và minh bạch.

Theo thống kê, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đắk Glong chủ yếu vay vốn theo Nghị định số 28 để làm nhà ở, chuyển đổi nghề. Qua 2 năm được vay, nhiều hộ dân đã sử dụng hiệu quả vốn vay để đầu tư phục vụ sản xuất như: mua xe máy cày, xe càng, máy nổ, máy tưới, nuôi heo, chăn nuôi dê sinh sản… 100% hộ vay vốn ưu đãi đã sử dụng vốn đúng mục đích, bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Huyện Đắk Glong đã triển khai cho 188 hộ dân vay vốn theo Nghị định số 28, với tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng. Việc kiểm tra, giám sát quá trình vay, sử dụng vốn và trả nợ được địa phương chú trọng thực hiện để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Qua rà soát giai đoạn 2024 - 2026, toàn huyện Đắk Glong cần khoảng 2,4 tỷ đồng để triển khai thực hiện hỗ trợ theo nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 28.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong

Trong đợt giám sát kết quả thực hiện Nghị định số 28 mới đây của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Đắk Nông, đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả trong triển khai Nghị quyết 28 trên địa bàn huyện Đắk Glong.

Theo đồng chí Hà Thị Hạnh, các chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất có ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, chính sách sẽ giúp các hộ dân khó khăn vươn lên thoát nghèo. Do đó, để phát huy hiệu quả việc triển khai Nghị định số 28 nói riêng cũng như các chương trình, chính sách khác, huyện Đắk Glong đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đối tượng thụ hưởng.

"UBND các xã rà soát nhu cầu và cho vay đúng đối tượng. Các ban ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả hơn. UBND huyện thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết để kịp thời đánh giá lại hiệu quả việc triển khai các chính sách, qua đó, kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện. Hàng năm, huyện kịp thời tuyên dương những đơn vị triển khai có hiệu quả Nghị định số 28, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả khi người dân sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi", đồng chí Hà Thị Hạnh nhấn mạnh.

nghi-dinh-28.png
Đ.H: P.T
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong phát huy nguồn vốn vay từ Nghị định số 28
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO