Nông nghiệp - Nông thôn

Đắk Glong phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc

Lê Dung 08/06/2023 06:02

Huyện Đắk Glong có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm trên 60%. Những năm qua, công tác dân tộc luôn được huyện quan tâm thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục.

Giúp bà con phát triển kinh tế

Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất từ chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), gia đình chị H’Liêm, xã Quảng Khê đã vươn lên trong sản xuất. Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình chị đang mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho các thành viên.

dau-tam(1).jpg
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị H’Liêm, xã Quảng Khê (Đắk Glong) 

Chị H’Liêm cho biết: “Từ mô hình này, gia đình sẽ tìm hiểu để mở rộng thêm sản xuất theo hướng trang trại, đa cây, đa con để phát triển kinh tế bền vững hơn trong thời gian tới”.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê thì trong thời gian qua, tất cả các chương trình, chính sách đối với ĐBDTTS được địa phương triển khai tích cực. Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao, vươn lên thoát nghèo.

Những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao. Cụ thể, giai đoạn 2014-2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm trên 50-60%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo xã Quảng Khê đã giảm mạnh, chỉ còn 4,8%.

Đặc biệt, thông qua 3 CTMTQG, trên địa bàn xã hiện đã thành lập được 2 nhóm phát triển kinh tế cộng đồng, bao gồm: 1 nhóm nuôi dê sinh sản, 1 nhóm trồng dâu nuôi tằm. Các nhóm đã lập dự án và được xã trình UBND huyện phê duyệt triển khai thực hiện.

nuoi-de(1).jpg
Bà con vươn lên thoát nghèo từ các mô hình nuôi dê sinh sản

Thời gian tới, địa phương sẽ thành lập Ban quản lý, tổ phát triển cộng đồng từng các thôn, bon. Thông qua việc tổ chức thực hiện, các tổ, ban quản lý xã thường xuyênn kiểm tra, hướng dẫn các tổ thực hiện hiệu quả các CTMTQG.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, địa phương tiếp tục lồng ghép với vốn vay từ Ngân hàng chính sách để bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế một cách bền vững.

Lồng ghép hiệu quả các chương trình

Những năm qua, nhiều chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS đã và đang được huyện Đắk Glong triển khai.

bon-tieu(1).jpg
Bà con biết cách sử dụng phân hữu cơ cho cây tiêu, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất

Trong đó, đáng chú ý là các chương trình: Chương trình như 134, Chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ ĐBDTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bon đặc biệt khó khăn; CTMTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025…

Đặc biệt, Chương trình 135, giai đoạn 2016-2020 đã được huyện quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Tổng số tiền đầu tư hỗ trợ từ Chương trình cho huyện là hơn 42,7 tỷ đồng.

Đến nay đã có 73 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn 7/7 xã được xây dựng. Chương trình đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 14.600 lượt hộ, với kinh phí là trên 13,8 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón vật tư nông nghiệp, máy nông cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp... Qua đó giúp ĐBDTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.

Tương tự, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, huyện đã được phân bổ với tổng mức kinh phí là hơn 364,8 tỷ đồng.

Ngay sau khi có hướng dẫn, UBND huyện đã chủ động, sớm xây dựng kế hoạch, kịp thời giao mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán cho các cơ quan, đơn vị và UBND các xã để triển khai thực hiện.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước, của địa phương mà tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của huyện luôn được bảo đảm ở mức tăng trưởng khá cao, với mức bình quân là 15%/ năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn trên 26% (năm 2016 là 62,65%).

So với các chỉ tiêu Nghị quyết của huyện, cơ bản địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra, bảo đảm tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3% - 5%/năm.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: trong nhiệm kỳ này, nguồn vốn thực hiện các CTMTQG phát triển kinh tế vùng ĐBDTTS và miền núi rất lớn, với 10 dự án. Quá trình thực hiện các chính sách này cũng có nhiều nét mới. Đó là, các chính sách được các chuyên gia điều tra, nghiên cứu rất sâu.

Nếu như trước đây, Chương trình 135 hỗ trợ rất nhỏ lẻ cho bà con thì đợt này, các chính sách mang tính chất lập thành dự án để kêu gọi cộng đồng, nhóm hộ cùng tham gia.

Khi tham gia rồi thì trách nhiệm của chính quyền cùng các hộ dân phải tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiệu quả của việc tổ chức sản xuất phải là: bán ở đâu, bán như thế nào, lợi nhuận được kiểm soát ra sao...

Ông phương chia sẻ: “Địa phương hiện đang quyết liệt triển khai các nguồn vốn này. Quan điểm của huyện là chính sách gì đã rõ rồi thì giải ngân luôn cho bà con”.

Quá trình triển khai các dự án sẽ được lồng ghép với các nguồn vốn vay khác để tăng nguồn vốn đầu tư và tăng hiệu quả mang lại. Việc triển khai thực hiện sẽ có tổ chức bộ máy chính quyền tham gia để hướng dẫn cho người dân thực hiện. Đặc biệt, cán bộ triển khai thực hiện mô hình sản xuất phải sát cánh với người dân thì hiệu quả kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn trong thời gian tới.

Tổng vốn đầu tư từ các CTMTQG trên địa bàn huyện Đắk Glong, giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 364,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 341,7 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 23 tỷ đồng.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Glong phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO