Chính trị

Đắk Glong phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo 

Hoàng Hoài 17/05/2023 05:51

Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đắk Glong luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 của vùng Tây Nguyên

Phát huy nội lực Nhân dân

Bà Vàng Thị Sa, dân tộc Mông, thôn 1, xã Đắk Som, do sức khỏe yếu, rẫy cách xa hàng chục km, không thuận tiện đi lại nên luôn nằm trong diện hộ nghèo của địa phương. Để cải thiện cuộc sống, có sinh kế, bà Sa đã mở một cửa hàng buôn bán nhỏ, chủ yếu bán hàng thổ cẩm quần áo, trang phục, vật dụng của người Mông. Nguồn thu từ cửa hàng đã giúp gia đình bà Sa thoát được hộ nghèo.

Bà Sa cho biết: “Từ buôn bán nhỏ này, mỗi ngày, tôi cũng kiếm thêm được một ít tiền để lo chi phí sinh hoạt, phân bón cho cây trồng. Do mình sức yếu, nên tôi phải tìm việc làm khác phù hợp để tăng thu nhập, chứ không thể ngồi chơi, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước được”.

img_2029(1).jpg
Anh Thào Seo Chứ, Bí thư Chi bộ thôn 1  thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tình hình buôn bán của bà con.

Không riêng trường hợp bà Sa, theo đồng chí Thào Seo Chứ, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Đắk Som, hàng tháng, trong các cuộc họp định kỳ, Chi bộ đều chỉ đạo ban tự quản thôn và các chi hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về ý thức tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào chính quyền.

Đồng thời, những hộ gia đình có cùng sở thích chăn nuôi, trồng trọt thì thành lập các tổ hợp tác, nhóm đồng sở thích để chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, Chi bộ thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc phát triển ngành nghề dịch vụ, buôn bán nhỏ để tăng thu nhập.

Điều đáng mừng, hiện nay, khi sản xuất nông nghiệp bấp bênh, một số bà con trong thôn đã phát triển thêm nghề buôn bán nhỏ, sửa chữa, dệt, các mặt hàng thổ cẩm của dân tộc Mông nên cuộc sống cũng ổn định hơn. Hiện nay, thôn 1 chỉ còn 50 hộ nghèo”

Đồng chí Thào Seo Chứ, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Đắk Som

Để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đắk Som đã ban hành nghị quyết riêng cho cả nhiệm kỳ 2020 – 2025 và kế hoạch từng năm cụ thể.

Đồng chí Hoàng Đức Tám, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Som cho biết: “Địa phương xác định, công tác giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và chính bản thân hộ nghèo, người nghèo. Trong đó, xã chú trọng tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người dân theo phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ. Với cách làm này, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 37,52% (giảm 17,73% so với năm 2021)”.

img_2046(1).jpg
Bà Vàng Thị Sa phát triển thêm ngành nghề buôn bán nhỏ để tăng thu cho gia đình.

Tương tự, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong công tác giảm nghèo bền vững; trong đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về ý thức tự lực vươn lên cũng là cách làm của Đảng ủy xã Quảng Khê.

Đồng chí Lý Văn Hòe, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Khê thông tin, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Địa phương cũng xác định giải pháp căn cơ nhất là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nhất là anh em dòng họ, người dân trong bon làng.

"Thông qua các buổi sinh hoạt, chi bộ thôn, bon giao nhiệm vụ cho đảng viên, trong đó có giải pháp đồng bộ là MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, cử các tổ chức hội ở thôn, bon đến gặp gỡ, trao đổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao nhận thức cho người dân”

Đồng chí Lý Văn Hòe, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Khê

Nỗ lực để thoát khỏi huyện nghèo

Để công tác giảm nghèo bền vững mang lại hiệu quả, huyện Đắk Glong đã căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương đề ra những giải pháp thích hợp.

img_2050(1).jpg
Nhiều bà con người Mông đã tự may các trang phục truyền thống để bán cho khách hàng.

Với phương châm hỗ trợ người nghèo trước mắt, sau mới tạo sinh kế lâu dài, các địa phương trong huyện chú trọng thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập; từng bước làm thay đổi nhận thức người nghèo. Quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương đều phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên chung tay xóa nghèo.

Việc thoát khỏi huyện nghèo là một trong những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Glong, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định. Do đó, ngay sau đại hội, Huyện ủy đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/HU, ngày 11/11/2020 về tăng cường công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đến năm 2025 đưa huyện Đắk Glong thoát nghèo.

Đồng chí Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong

Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án đang được triển trên địa bàn huyện về công tác giảm nghèo tại địa phương. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của người dân, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 13,5%.

Theo đồng chí Vũ Tiến Lư, thời gian tới, Đắk Glong tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án với thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Xóa đói giảm nghèo phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu, mang tính chiến lược lâu dài trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó, huyện tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo.

Đi đôi với đó, việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao thu nhập để người dân làm theo cũng được tăng cường.

Cấp ủy đảng các cấp tiếp tục bám sát tình hình thực tế tại cơ sở, thực hiện phân công tổ chức đảng, đảng viên vận động, hỗ trợ và giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; lấy kết quả thực hiện giảm nghèo là tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương sáng trong sản xuất, là tuyên truyền viên nhiệt huyết trong công cuộc truyền thông giảm nghèo tại địa phương.

Tất cả cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức thật sự sâu sắc về công cuộc giảm nghèo, phải có hành động thiết thực để đóng góp vào công tác giảm nghèo chung của địa phương”.

Đồng chí Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong nhấn mạnh

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Glong phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO