Đắk Glong hướng về cơ sở để tập hợp phụ nữ
Đưa hoạt động về cơ sở là một trong những nhiệm vụ mà Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đắk Glong quan tâm và thu hút phụ nữ vào hội.
Không ai hiểu phụ nữ bằng phụ nữ
Toàn huyện Đắk Glong có tổng số 7.708 hội viên phụ nữ, chiếm trên 50% tổng số phụ nữ toàn huyện. Tuy nhiên, là huyện nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên tỷ lệ thu hút phụ nữ tham gia hội là một thách thức đối với Hội LHPN huyện, xã. Cụ thể, toàn huyện có 5/7 xã có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 60% gồm: Đắk Som 57,6%; Đắk Ha 50,4%; Quảng Sơn 46,2%; Quảng Khê 48,5%; Đắk R’măng 38,9%. Theo Hội LHPN huyện Đắk Glong, mặc dù tỷ lệ thu hút hội viên chưa cao, nhưng so với nhiều năm trước, đây là con số được xem có nhiều chuyển biến theo hướng khả quan.
Trước thách thức đó, Hội LHPN huyện Đắk Glong xem việc thu hút, tập hợp, phát triển hội viên là chỉ tiêu trọng tâm trong kế hoạch thi đua hàng năm và nỗ lực, triển khai thực hiện. Theo đó, bên cạnh giao chỉ tiêu, hằng năm, các cấp hội đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, với nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nguyện vọng của phụ nữ để tập hợp hội viên.
Trong đó, Huyện hội xác định, không ai có thể gần, sâu sát, lắng nghe tiếng nói, hiểu được tâm tư nguyện vọng của phụ nữ bằng đội ngũ cán bộ hội. Trên tinh thần đó, Hội LHPN huyện chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hội từ huyện đến tận chi, tổ hội. Những địa bàn còn yếu thì ưu tiên hằng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cử cán bộ hội tham gia các lớp do hội cấp trên tổ chức.
Với phương châm “hướng về cơ sở”, các cơ sở hội đều chọn địa bàn khu dân cư làm nơi tổ chức các hoạt động, sinh hoạt, nên thu hút phụ nữ tham gia ngày càng đông. Nội dung sinh hoạt được đổi mới theo chuyên đề, tận dụng tuyên truyền qua mạng xã hội nhằm lan tỏa các hoạt động, phong trào phụ nữ.
Đòn bẩy từ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế
Các cấp hội đã lấy phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” làm đòn bẩy để thu hút hội viên, bằng việc xây dựng các mô hình giúp phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ngân hàng và Quỹ cơ hội cho phụ nữ để phát triển kinh tế.
Đến nay, toàn huyện duy trì 122 mô hình, câu lạc bộ (CLB) theo lứa tuổi, sở thích như “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”; “Phòng chống bạo lực gia đình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Dân vũ thể thao”; mô hình “Bao rác tình thương”; “Phụ nữ bảo vệ môi trường”… thu hút trên 1.500 thành viên tham gia. Toàn huyện cũng thành lập và quản lý 117 tổ, nhóm tiết kiệm vay vốn, tín dụng tiết kiệm với 1.411 thành viên.
Đồng thời, các cơ sở hội tích cực tổ chức hoặc phối hợp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề, tạo việc làm, giúp phụ nữ yếu thế bằng các hoạt động thiết thực… góp phần nâng cao uy tín của tổ chức hội đối với phụ nữ.
Bà H’Mhel, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Glong khẳng định: Vượt qua những khó khăn, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã có những hướng đi, cách làm hay để nỗ lực tập hợp phụ nữ, thu hút hội viên, góp phần nâng cao năng lực và vai trò của tổ chức hội phụ nữ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.