Nghị quyết và cuộc sống

Đắk Glong hiện thực hóa các khâu đột phá chiến lược

Lê Dung 05/07/2023 06:36

Với sự chủ động, linh hoạt cùng cách làm sáng tạo, hiệu quả, huyện Đắk Glong tiếp tục đẩy mạnh các khâu đột phá chiến lược, quyết tâm phát triển địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Glong lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 2 khâu đột phá chiến lược là: phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, liên kết thị trường và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ của huyện đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trong trồng trọt khoảng 35%, chăn nuôi khoảng 48%.

img_4222(1).jpg
Mô hình trồng rau an toàn của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong)

Tổng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt của địa phương hiện đạt tối thiểu 100 triệu đồng/năm. Có được kết quả này là nhờ huyện chú trọng quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, vùng sản xuất rau, màu an toàn, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung.

Công tác đào tạo, cấp chứng chỉ về nông nghiệp UDCNC được triển khai hàng năm. Nhiều cán bộ, doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân được trang bị kiến thức sản xuất trong nông nghiệp. Trong đó, các lớp tập huấn tập trung tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả mà nông nghiệp UDCNC đem lại.

Huyện đang tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp UDCNC gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn đã hình thành một số HTX nông nghiệp liên kết giữa các hộ nông dân trồng, sơ chế chế biến cà phê, dược liệu. Cụ thể như: HTX Danofarm, HTX Đại Đồng Tiến, HTX An Phúc Khang.

img_3055(1).jpg
Công nghệ tưới nước nhỏ giọt trong sản xuất cây ăn quả được người dân ứng dụng ngày một rộng rãi

Ngoài ra còn một số mô hình ứng dụng các công nghệ vào sản xuất rau củ quả, hồ tiêu, cây ăn trái, cây công nghiệp như: công nghệ tưới nhỏ giọt, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính...

Việc thực hiện chương trình OCOP tiếp tục được địa phương đẩy mạnh. Trên địa bàn huyện hiện đã được công nhận 2 sản phẩm OCOP và đang đề nghị công nhận thêm 8 sản phẩm mới.

Phấn đấu thoát nghèo vào năm 2025

Đắk Glong đưa ra mục tiêu phấn đấu thoát nghèo vào năm 2025. Huyện đang tập trung phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

trong-dau-nuoi-tam-quang-khe(1).jpg
Trồng dâu nuôi tằm đang được xem là nghề giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn

Giai đoạn 2020-2025, huyện đang triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, gồm có chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, địa phương đã hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

mo-hinh-nuoi-de(1).jpg
Mô hình nuôi dê phát triển kinh tế hộ tại xã Đắk Ha (Đắk Glong)

Quyền lợi của người dân được đặt làm trung tâm, khẳng định mọi tầng lớp nhân dân đều có cơ hội bình đẳng thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Sự thay đổi này không chỉ nhằm bảo đảm thu nhập tối thiểu, mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.

Các chỉ số đo lường đã được cập nhật, bổ sung nhằm nhận diện được bản chất của nghèo đói như: chỉ số dinh dưỡng, tình trạng đi học của trẻ em, trình độ giáo dục của người lớn, bổ sung các chỉ số đo lường thiếu hụt về việc làm của người nghèo…

Huyện quyết tâm nâng cao mức sống của người dân, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.

duong-giao-thong-dak-ha(1).jpg
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Đắk Glong được đầu tư xây dựng giúp người dân thuận tiện đi lại, sản xuất

Trên cơ sở đó, địa phương đã ban hành các chương trình, kế hoạch có ý nghĩa thiết thực, đem lại hiệu quả cao, góp phần chung tay vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Về cơ bản, việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian qua, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia đã từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.

Năm 2022, nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư là hơn 214,6 tỷ đồng; năm 2023 là hơn 318,7 tỷ đồng. Các chính sách về giảm nghèo đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.

z4486132405730_1319a78e115982ea1437b45b581ea049.jpg
Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Đắk Glong trong giữa nhiệm kỳ 

Kết quả giảm nghèo được thể hiện rõ qua các năm. Cụ thể như, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện là 39,15%; trong đó, hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 63,67%, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 59,06%.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 25,68%, giảm 13,5%; trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42,77%, giảm 20,9% và hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 40,6%, giảm 18,5%.

Các yếu tố quan trọng trong công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt là: thực hiện tốt các chính sách về tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, hỗ trợ về y tế, giáo dục, xây dựng nhà ở, trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo, hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo…

Trao đổi về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: thời gian tới huyện tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, từ các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo… Qua đó nhằm hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn.

“Huyện sẽ tập trung ưu tiên xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, tập trung đông dân cư, nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, kích thích sản xuất phát triển”, ông Thuần chia sẻ.

Với chủ trương, định hướng đẩy mạnh 2 khâu đột phá chiến lược trọng tâm, trọng điểm, tin rằng, huyện Đắk Glong sẽ bứt phá phát triển mạnh mẽ, thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế, xã hội trong thời gian sớm nhất.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Glong hiện thực hóa các khâu đột phá chiến lược
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO