Chính trị

Đại thắng mùa Xuân 1975 và dấu ấn các dân tộc ở Đắk Nông

Thanh Hằng 30/04/2023 05:00

Cộng đồng các dân tộc thiểu số Đắk Nông đã có những đóng góp làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Những đóng góp ấy làm dày thêm “sử thi giữ đất, giữ nước” của bon làng.

Cả bon làng kháng chiến

Giải phóng Đức Lập (Đắk Nông, ngày 9/3/1975) và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk, ngày 10/3/1975) đã mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo thời cơ để đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đi đến thắng lợi. Có được thành công, một phần là nhờ sự đoàn kết, đóng góp của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào các dân tộc Đắk Nông nói riêng.

Đã có hàng ngàn người con của mảnh đất Nam Tây Nguyên ngã xuống hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình để làm nên chiến thắng vẻ vang này.

ong-y-xuyen(1).jpg
Trở về sau những năm tháng hoạt động cách mạnh, ông Y Xuyên tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của Nâm Nung ngày nay.

Già làng Y Xuyên đang sống cùng vợ và ba người con tại bon Ja Ráh, xã Nâm Nung (Krông Nô). Trong căn nhà, người lính năm xưa trang trọng treo hai bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cạnh đó, ông cũng cẩn thận treo những tấm bằng khen, giấy khen dành cho mình, như một sự công nhận cho những đóng góp của ông cho sự phát triển của xã Nâm Nung ngày nay.

Già Y Xuyên kể, năm 1959, Đoàn công tác B90 (Bộ Quốc Phòng) tới Nâm Nung, dựa vào bon Ja Ráh để làm bàn đạp phát triển, mở rộng cơ sở và xoi đường vào Nam, tìm bắt liên lạc với các bộ phận mở đường của Đông Nam bộ từ chiến khu Đ ra. Cách mạng chọn bon Ja Ráh, bà con trong bon vui mừng nên đồng lòng ủng hộ.

“Bà con trong bon căm thù chúng nó (địch) lắm vì chúng phá hoại bon làng, thanh niên phải bỏ nhà vào rừng trốn để khỏi bị bắt đi quân dịch. Cán bộ cách mạng đến, ai cũng vui sướng, phấn khởi. Ban ngày thì đi làm nương làm rẫy, ban đêm thì giã gạo để nuôi cán bộ. Ai có gì thì cho cái ấy, bà con âm thầm giúp sức, ai cũng một lòng theo cách mạng”, già làng Y Xuyên kể lại.

ong-y-xuyen-2(1).jpg
Già làng Y Xuyên tiếp tục giữ lủa đam mê của mình với nghệ thuật dân gian M'nông.

Sau này Nâm Nung trở thành căn cứ cách mạng, nhiều thanh niên xung phong đi bộ đội để trực tiếp ra trận. Có người sống trở về, có người hy sinh nhưng ai cũng tự hào vì đã góp công cho chiến thắng.

“Trong cuộc kháng chiến ấy, xã mình có gần 40 nam nữ thanh niên hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”, già Y Xuyên trầm giọng nói về những mất mát hy sinh rồi hãnh diện, tự hào khoe, năm 1994, xã Nâm Nung của ông vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đến năm 2019, Nâm Nung trở thành xã An toàn khu của tỉnh Đắk Nông.

Ký ức không thể nào quên

Đối với ông K’Dung, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mang lại cho ông những ký ức không thể nào quên. Ông K’Dung xúc động khi chính mình và đồng đội đã góp công tiêu diệt kẻ thù của cả bon làng, góp sức vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên.

Ngày ấy, sau khi chúng ta chiếm được Đức Lập, từ ngày 10/3/1975, địch rút quân về Gia Nghĩa để chạy qua Lâm Đồng. Nắm bắt được tình hình, đơn vị của ông K’Dung phục kích, tấn công địch trên đường chúng rút chạy.

“Trong đám tàn quân một trung úy người Mạ, trước đây tên này nhiều lần chỉ huy quân đội tấn công, sát hại chính đồng bào mình. Tiêu diệt được tên trung úy của địch, ai cũng vui mừng, nhất là người đồng bào Mạ chúng tôi”, ông Dung kể lại.

Sau ngày giải phóng Gia Nghĩa, từng dòng người từ khắp nơi trở về nhà. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng reo hò… khiến ai ai cũng sung sướng. Riêng ông K’Dung, trong cuộc trở về ấy, ông được gặp lại 2 người anh trai của mình, nhưng ở hai vị thế khác nhau. “Tôi là quân giải phóng, còn hai người đó là quân của chế độ cũ”- ông K’Dung nói.

ong-k-dan(1).jpg
Cựu chiến binh K'Dân bồi hồi nhớ lại những năm tháng gian khó của cuộc Kháng chiến chống Mỹ.

Nhắc về những đóng góp của cộng đồng các dân tộc Đắk Nông, cựu chiến binh K’Dân, bon Bu Sóp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho rằng, giải phóng Đức Lập, giải phóng Tây Nguyên đã tạo thời cơ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến giai đoạn quyết định. Một phần làm nên sự thành công ấy là nhờ những người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên.

Cựu chiến binh K’Dân, gần 60 năm tuổi Đảng nhớ lại, gia đình, họ hàng của ông đều có người thân hy sinh, qua đời vì giặc Mỹ nên ai cũng nung nấu ý chí căm thù giặc. Cũng từ sự căm thù ấy, những người dân trong bon làng của ông K’Dân đã ra sức giúp đỡ cách mạng, nuôi giấu cán bộ cho đến ngày thành công.

ong-k-dan-2(1).jpg
Với những đóng góp to lớn, ông K'Dân được Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh Đắk Nông trao tặng nhiều huân chương, giấy khen...

Trực tiếp tham gia vào giải phóng Quảng Đức, giải phóng Gia Nghĩa, ông K’Dân bồi hồi nhớ lại: “Những ngày cuối tháng 3, giặc co cụm rồi rút về phía Lâm Đồng theo lối sông Đồng Nai và hướng Quảng Khê ngày nay. Trong quá trình tháo chạy, chúng ta đã chặn đánh khiến địch càng hoảng loạn, bỏ lại rất nhiều vũ khí, đạn dược dọc đường. Ngày giải phóng và tiếp quản Gia Nghĩa, đồng bào ở đây vui sướng lắm !”.

Sau những năm tháng tham gia kháng chiến, góp sức vào cuộc đấu tranh của toàn dân tộc, ông K’Dân tiếp tục cống hiến cho việc xây dựng, phát triển Đắk Nông cho đến khi được nghỉ chế độ. Chứng kiến sự đổi thay của vùng đất mà ông đã gắn bó gần một đời người, ông K’Dân tự hào: “Tôi vui mừng vì mình đã đóng góp một phần nhỏ cho sự đổi thay ấy”.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đại thắng mùa Xuân 1975 và dấu ấn các dân tộc ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO