Tham gia thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông nhấn mạnh: Thực hiện quy định của luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Nghị định số 84 của Chính phủ, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động sớm hơn so với các năm 2019. Đây là một trong những cơ sở rất quan trọng để các bộ, ngành, địa phương ban hành chương trình hành động cụ thể của mình. Qua nghiên cứu cho thấy, báo cáo đã phản ánh khá toàn diện về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; nêu ra được những ưu điểm, tồn tại hạn chế trên các lĩnh vực và đưa ra được những nhiệm vụ giải pháp cần phải thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 do Chính phủ trình |
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực công tác vẫn còn những tồn tại hạn chế đã nhiều năm nhưng chậm được khắc phục như: Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết; việc phân bổ vốn trong các dự án không đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định; tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp còn chậm, chưa đạt kết quả đề ra. Do đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể hơn để từng bước khắc phục tình trạng này.
Báo cáo kết quả về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2020 và các năm trước đều thể hiện tình hình kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo các nội dung được quy định trong luật Thực hành tiết kiệm chống lãnh phí nên chưa bảo đảm tính cụ thể để theo dõi, đánh giá theo từng năm. Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giải pháp thực hiện mục tiêu, các chỉ tiêu này. Vì vậy, báo cáo của Chính phủ về những kết quả hàng năm cần xây dựng theo các nội dung chương trình tổng thể của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí của năm báo cáo để thuận tiện cho việc so sánh, đánh giá kết quả đạt được với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Đồng thời, để bảo đảm tính đầy đủ theo luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Nghị định quy định chi tiết cũng như trách nhiệm của tổ chức thực hiện gắn với chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong các năm tới, đề nghị bổ sung trong báo cáo Chính phủ về việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nội dung này. Trong đó có kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương để từ đó có các hình thức khen thưởng đối với các đơn vị làm tốt và xử lý đối với các cơ quan, tổ chức cá nhân vi phạm theo đúng quy định của luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Toàn cảnh phiên thảo luận tập trung về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 do Chính phủ trình, sáng 26/7 |
Về ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí, theo quy định của luật thì cơ quan, tổ chức phải ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí hàng năm. Vì vậy, trong các năm tới, đề nghị bổ sung một phần, trong đó báo cáo Chính phủ cần đánh giá về nội dung này hoặc phụ lục về nội dung này để bảo đảm tính đầy đủ theo quy định.
Về báo cáo kết quả thực hiện, qua theo dõi phụ lục cho thấy, các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo đều muộn hơn thời gian quy định là ngày 28/2 nên đã gây khó khăn cho Bộ Tài chính trong tham mưu Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tài liệu tới các vị đại biểu Quốc hội. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tuân thủ thời gian báo cáo theo quy định để thuận tiện, kịp thời trong việc nắm bắt, chỉ đạo về lĩnh vực này.