Các đại biểu thảo luận về Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng |
Tham gia thảo luận tại tổ, Đại biểu Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cơ bản thống nhất với nội dung, bố cục Dự thảo Báo cáo chính trị. Dự thảo Báo cáo chính trị đã thể hiện được quyết tâm chính trị của Đảng, toàn dân trong mục tiêu giai đoạn và dài hạn về phát triển.
Ngoài một số nội dung, câu từ cần chỉnh sửa, bổ sung, Đại biểu Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông nhất trí cao về Dự thảo Báo cáo chính trị |
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông nhấn mạnh về nghiên cứu, xây dựng và thực hiện đồng bộ chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung này có liên quan đến chiến lược cải cách tư pháp, mà cụ thể ở đây là vừa qua chúng ta đã tổng kết về kết quả thực hiện Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Chúng ta nên đặt ra một chiến lược mới để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp.
Tại trang 51, mục 13, ở đây cũng đã đặt ra vấn đề là xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng cần đề cập đến chi phí tuân thủ pháp luật thấp và sức cạnh tranh của pháp luật. Vì hiện nay chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, ngay cả chi phí tuân thủ pháp luật cũng phải là ở mức thấp. Tức là giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu lại thì lợi ích thu lại phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Vì thế, Dự thảo cần bổ sung 3 tiêu chí trong xây dựng hệ thống pháp luật đó là: hiện đại, chi phí tuân thủ thấp và có sức cạnh tranh quốc tế.
Liên quan đến hoạt động giám sát, trong Dự thảo Báo cáo chính trị mới chỉ đề cập đến vai trò giám sát của MTTQ và tổ chức chính trị xã hội, Nhân dân. Đại biểu đề nghị cần làm rõ sự gắn kết giữa cơ chế giám sát của Quốc hội, HĐND với kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể, Nhân dân. Tức là 3 khối phải có sự gắn kết với nhau từ Quốc hội, HĐND, cơ chế giám sát của Đảng và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các khối đoàn thể, Nhân dân.
Liên quan đến xây dựng nền hành chính, trong Dự thảo Báo cáo chính trị có nêu là xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch và tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng đổi mới hoạt động bộ máy Chính phủ theo hướng tinh gọn nhưng phải tổ chức trên cơ sở đa ngành, đa lĩnh vực hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì Chính phủ được hợp thành trên cơ sở các bộ, ngành, lĩnh vực hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là tiêu chí, định hướng đặt ra trong tổ chức tinh gọn hoạt động Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang góp ý một số nội dung trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng |
Về hoạt động của cơ quan tư pháp, theo Đại biểu Nguyễn Trường Giang, hoạt động của cơ quan tư pháp không chỉ là bảo vệ công lý mà đầu tiên phải tuân thủ pháp luật. Một điểm nữa là chúng ta cần nhấn mạnh đến việc tiếp tục xã hội hóa một số hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp có đủ điều kiện.
Về hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương, Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị bổ sung nội dung Nghị quyết 18 về sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có lộ trình thực hiện các bước tiếp theo của việc sắp xếp đơn vị hành chính, quy mô đơn vị hành chính. Vì thế, Báo cáo chính trị cũng nên đặt ra là tiếp tục thực hiện việc sắp xếp để tăng quy mô đơn vị hành chính các cấp phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới.
Về tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là đất nước trong điều kiện mới, thì ở mục 14 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị nghiên cứu bổ sung để cụ thể hóa cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác lập pháp phù hợp với nguyên tắc Nhà nước pháp quyền XHCN.