Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Đại biểu Phạm Thị Kiều kiến nghị 8 nhóm vấn đề về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Đức Diệu 24/05/2023 16:17

Sáng 24/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); nghe các báo cáo liên quan đến kiểm toán, tài chính và báo cáo giải trình, tiếp thu về lĩnh vực này...

ADQuảng cáo
hinh-toan-ngay-24(1).jpg
Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa Xv sáng 24/5

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cơ bản thống nhất và đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Đấu thầu toàn diện. Đặc biệt, dự thảo Luật đã mở rộng, cập nhật các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý…

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thị Kiều tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư vào Điều 78 (Trách nhiệm của chủ đầu tư), cụ thể: “Thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng đã ký kết”; đồng thời bổ sung vào Điều 82 (Trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư) nội dung “Thực hiện các nội dung quy định đã ký kết trong hợp đồng” để đảm bảo tính chặt chẽ của hệ thống pháp luật.

Thứ hai, qua đại dịch Covid-19 cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vắc xin, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng, các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự án luật nội dung “Khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định”.

hinh-3-ngay-24(1).jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều kiến nghị sâu một số nội dung về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Thứ ba, tại điểm d, khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật: (Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư) quy định: d) Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”. Đề nghị nghiên cứu sửa thành: “Nhà thầu phải đáp ứng năng lực hoạt động phù hợp với từng lĩnh vực của gói thầu” nhằm đảm bảo tính thống nhất với một số lĩnh vực pháp luật có liên quan như quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 139 Luật Xây dựng về hiệu lực của hợp đồng xây dựng, khi đó “Bên nhận thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề xây dựng theo quy định của Luật này”.

Thứ tư, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “tư vấn giám sát” vào điểm b, khoản 2,, Điều 6 (Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu) như sau: b) Các nhà thầu tư vấn quản lý dự án; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầutư vấn giám sát gói thầu đó”.

Thứ năm, tại điểm c, khoản 1, Điều 11 (Đấu thầu quốc tế) quy định điều kiện tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu là: “c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án”. Quy định này cho phép người có thẩm quyền toàn quyền quyết định có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài hay không vào gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, trong khi căn cứ để quyết định khá chung chung “nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án. Điều này sẽ khiến cho quy định về điều kiện tổ chức đấu thầu quốc tế tại điểm c, khoản 1, Điều 11 không còn nhiều ý nghĩa. Vì vậy, theo đại biểu Phạm Thị Kiều nên nghiên cứu điều chỉnh, quy định điểm c, khoản 1, Điều 11 theo hướng định lượng cụ thể hơn hoặc bỏ quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 11 để tránh bị lạm dụng và làm giảm ý nghĩa của các quy định về điều kiện khác đấu thầu quốc tế.

Thứ sáu, tại khoản 2, Điều 17 (Hủy thầu) liệt kê các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có trường hợp quy định tại điểm b là: b) Thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành”.

Tuy nhiên, đối chiếu theo quy định khoản 4, Điều 17 thì trường hợp hủy thầu tại điểm b, khoản 2 dẫn đến các bên liên quan không được đền bù chi phí. Nội dung này chưa thật phù hợp và đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư khi tham dự thầu, vì các nhà đầu tư phải bỏ ra chi phí để tham gia đấu thầu. Việc thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư của dự án xuất phát từ cơ quan nhà nước, không phải lỗi của nhà đầu tư. Do đó, đề nghị trong trường hợp này cần quy định việc nhà đầu tư cần được đền bù về chi phí tương tự như cơ chế bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu.

hinh-1-ngay-24(1).jpg
Phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 24/5

Thứ bảy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị sửa đổi cụm từ “…thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 9 ngày” thành cụm từ “…thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày” tại điểm b, điểm d, khoản 1, Điều 45 (Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu) để phù hợp với thời gian phát hành hồ sơ mời thầu là 10 ngày kể từ thời điểm đăng tải.

Thứ tám, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị rà soát kỹ Điều 70 (Sửa đổi hợp đồng) để đảm bảo thống nhất với một số luật chuyên ngành như Luật Xây dựng hoặc quy định về thực hiện hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Phạm Thị Kiều kiến nghị 8 nhóm vấn đề về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO